Thứ Ba, 11 tháng 9, 2018

Tư liệu: Một bức thư của Võ Đại tướng gửi ông Lê Đức Thọ


(St từ http://www.honvietquochoc.com.vn)
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng mùa Xuân 1975 và thống nhất đất nước, Thiên Lý xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một tư liệu quý: bức thư của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi ông Lê Đức Thọ, đề ngày 20-2-1988
Bức thư gồm hơn bốn trang đánh máy, nội dung trao đổi một số vấn đề liên quan đến việc tổng kết chiến tranh và biên soạn lịch sử quân sự, (lúc bấy giờ có tổ chức hội thảo tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước) thư này cũng được gửi cho ông Viện trưởng Viện lịch sử quân sự, để lưu.
Hy vọng qua bức thư này, bạn đọc có thể hiểu biết sâu sắc hơn về nhân cách, về  trí tuệ và tầm nhìn chiến lược của cố Đại tướng, đồng thời cũng có thể hiểu thêm về vài sự kiện lịch sử thú vị khác như Nghị quyết 15 được phôi thai ra sao, nguồn gốc chiến dịch Quảng Trị mùa Hè 1972 hoặc vấn đề lựa chọn điểm mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (Buôn Ma Thuột) đã được đặt ra từ năm nào? Qua mục đầu của bức thư này, ta cũng có thể biết thái độ của nước bạn (Trung Quốc) về vấn đề Hiệp định Giơ-ne-vơ (hoàn toàn không phải là “chủ chiến” như Trần Đĩnh nêu trong Đèn cù).
Tài liệu này nằm trong bộ sưu tầm các bài nói, bài viết của Đại tướng, do cụ Đại tá, tiến sĩ sử học Nguyễn Văn Khoan tập hợp, với mục đích là “lưu giữ trong tủ sách gia đình” để “tự nghiên cứu, học tập” (năm nay cụ Khoan cũng đã 86 tuổi hạc). Tuy vậy cụ cũng có hảo ý “không dám từ chối bạn đọc nào muốn tham khảo” và nhờ vậy, tôi may mắn được tặng một bản coppy. Nhân đây, xin cảm tạ sự ưu ái của cụ
Do cái ipad của tôi không sạc được điện nên tạm thời chưa cung cấp được ảnh của tài liệu này, tôi sẽ chụp đưa lên bài viết sau(*).
Dưới đây gõ lại nguyên văn, kể cả những chỗ gạch dưới, từ bản chụp (coppy) của bản đánh máy. Tuy nhiên những đoạn tô màu đậm hơn là tôi cố ý nhấn mạnh.
“Ngày 20 tháng 2 năm 1988

Anh Sáu Thọ
Tôi đã xem bài nói của anh về “Một số vấn đề tổng kết chiến tranh và biên soạn lịch sử quân sự”. Anh đã nói rõ, đây là quan điểm cá nhân, không thể nói là của Bộ Chính trị mà cũng chưa phải là được tập thể tổng kết
Cậu Nhân nói anh muốn tôi phát biểu ý kiến. Từ lâu, tôi đã suy nghĩ nhiều về vấn đề được nêu ra, nhưng nay muốn phát biểu thì phải bàn bạc và trao đổi thêm với một số đồng chí lãnh đạo và chỉ huy lúc bấy giờ. Mà hiện nay, thì công tác trước mắt quá bận, chưa có thì giờ làm được.
Vì vậy, tôi chỉ nêu một số ý kiến để anh tham khảo
1)- Về vấn đề đánh giá tình hình và chủ trương của ta sau hội nghị Giơ - ne - vơ
Phải nói rằng tình hình bấy giờ khá phức tạp, tư tưởng hòa bình chủ nghĩa của bạn cũng khá mạnh.
Nhưng, Bác luôn nhắc nhở anh Trường Chinh và các đồng chí trong Bộ Chính trị phải theo dõi âm mưu thâm độc của kẻ thù, không được chủ quan. Tôi thấy sự sáng suốt của Bác và Bộ Chính trị biểu hiện rõ nhất là ở chỗ ngay lúc bấy giờ đã xác định kẻ thù cụ thể trước mắt của toàn dân là đế quốc Mỹ, phái thực dân Pháp phản hiệp định và bọn Ngô Đình Diệm, đế quốc Mỹ là kẻ thù đầu sỏ và nguy hại nhất.
Tôi nhớ lại trước khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đã có cuộc hội đàm giữa Bác và đồng chí Chu Ân Lai ở Liễu Châu. Trong cuộc hội đàm ấy, đồng chí Chu đã có bài phát biểu rất dài, dùng nhiều lý lẽ để thuyết phục ta cần dành cho được hòa bình, nói rất nhiều về những điều kiện thuận lợi đưa đến tổng tuyển cử thống nhất đất nước. 
Sau cuộc hội đàm ấy, trên đường đi tàu hỏa về nước, Bác và chúng tôi đã trao đổi ý kiến về cục diện sắp tới. Tôi đã nói với anh Trần Văn Quang: ta có trên 30 vạn quân, còn địch thì có những 45 vạn (anh Quang tính là 47 vạn), thì làm thế nào có thể tổng tuyển cử, có hòa bình thống nhất đất nước được. Chúng tôi đã trình bày ý kiến ấy với Bác. Và khi về nhà, nghe báo cáo lại nội dung cuộc hội đàm thì Bác và các anh đều cho rằng lời phát biểu và cách phân tách và dự đoán tình hình của đồng chí Chu là một chiều.
Do vậy, sau khi Hiệp định được ký kết, ta đã nêu ra nhiệm vụ phải đấu tranh để củng cố hòa bình, đòi thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, nhưng đề ra 2 khả năng, có khi nói 3 khả năng, nhất là sau khi Mỹ lập ra khối SEATO, công nhiên phá hoại hiệp định.
Và rất sớm, Bác và Bộ Chính trị đã nhận định cuộc đấu tranh để thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ là một cuộc đấu tranh cách mạng, sự nghiệp đấu tranh thống nhất là một nhiệm vụ cách mạng: đó là sự nghiệp tiếp tục và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước. Lúc anh Ba ra, anh Ba tỏ ra rất đồng tình về điểm này và nói rất mừng về vấn đề xác định Mỹ là kẻ thù chính của cách mạng Việt Nam.
Bây giờ nhớ lại, tôi nghĩ rằng do có nhất trí ấy, cho nên vào cuối năm 1958, Bộ Chính trị đã giao cho tôi nhiệm vụ khởi thảo Nghị quyết 15 về cách mạng miền Nam. Tôi đã làm việc ấy với anh Hoàng Tùng và anh Trần Quang Huy trong khoảng 2 tuần lễ ở Đồ Sơn. Bản dự thảo đã được chuyển cho anh Ba xem lại, tôi nhớ về cơ bản không có thay đổi gì (nhất là về vấn đề bạo lực cách mạng, vấn đề về quan hệ giữa đấu tranh chính trị với khởi nghĩa và đấu tranh vũ trang trường kỳ) để trình ra Hội nghị Trung ương.
Trong cuộc thảo luận ở Hội nghị Trung ương, ý kiến của các anh trong Bộ Chính trị và phần lớn các đồng chí Trung ương đều nhất trí trên tất cả các vấn đề cơ bản, và Nghị quyết đã được thông qua với sự nhất trí cao
Anh cũng nhớ rằng chính theo tinh thần đấu tranh cách mạng phải dùng bạo lực ấy, mà sau khi trao đổi ý kiến với đồng chi Kayson, Trung ương Đảng ta đã có Nghị quyết giúp cách mạng Lào chuyển từ đầu tranh chính trị lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, về sau từng bước đưa đấu tranh vũ trang lên vị trí chủ yếu.
2)- Về chiến dịch Trị Thiên. Vấn đề giải phóng được Huế hay không, không phải là suy diễn theo cục diện chiến trường lúc bấy giờ: Ta đánh chính diện, tình hình rất khó khăn, nhất là lúc anh đang ở Paris, mấy lần điện về: (lúc nào có dịp sẽ nói chuyện thêm).

Vấn đề là phải đặt câu hỏi: nếu ta cứ giữ vững quyết tâm lúc đầu, lấy Trị Thiên làm hướng chủ yếu, tấn công vào Quảng Trị kết hợp với đánh vu hồi vào Huế (tập trung trung đoàn công binh anh hùng mở đường phía Tây Huế) thì có thể giải phóng được Huế hay không?

Trên thực tế, ta đã thay đổi quyết tâm đúng đắn ban đầu, đề ra quyết tâm thứ hai lấy Tây Nguyên làm hướng chủ yếu. Tôi và một số đồng chí cho rằng thay đổi quyết tâm như vậy là sai. Do đó, đã phân tán chủ lực và phân tán lực lượng công binh vào hướng Tây Nguyên. Đến khi giải quyết hậu cần không được, điều động lực lượng cũng khó, thì mới bị động chuyển lại lấy Quảng Trị làm hướng chủ yếu, lâm vào thế phải đánh chính diện, còn hướng vu hồi thì không mở ra được vì kế hoạch làm đường ở phía Tây Huế đã bị bỏ dở, do lực lượng công binh một phần lớn đã điều đi Tây Nguyên.
3)- Về vấn đề Buôn Ma Thuột thì trong Quân ủy không hề có cuộc tranh luận nên đánh Đức Lập hay đánh Buôn Ma Thuột. Kế hoạch đánh Đức Lập đã được đề ra từ trước, nhằm mở đường cho bộ đội chủ lực ta tiến vào Miền Đông Nam Bộ khi cần, tránh không phải đi qua lãnh thổ Căm-pu-chia.
Sau khi ta giành thắng lợi ở Phước Long, nhược điểm của địch bộc lộ rõ, thì toàn thể Quân ủy đều hạ quyết tâm đánh Buôn Ma Thuột. Hôm anh đến, Quân ủy đang bàn là bàn về cách đánh như thế nào để đảm bảo thắng lợi, đề ra hai phương án: trường hợp địch còn sơ hở chưa tăng cường và trường hợp địch đã tăng cường, cả hai phương án đều nhằm mục đích tiêu diệt địch và giải phóng Ban Mê Thuột. Tôi cũng đã đề cập đến khả năng địch rút khỏi Tây Nguyên nếu ta giành được thắng lợi lớn
Anh Dũng, anh Thái, anh Thảo đều nhất trí với kết luận của tôi.
Nhớ lại, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Nghị quyết 21 của Trung ương nói đến thời cơ lịch sử giải phóng miến Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước. Tôi đã đề ra với các đồng chí lãnh đạo khu V, khả năng giải phóng Tây Nguyên trước. Tôi cũng đã làm việc với anh Hoàng Minh Thảo về vấn đề này, xác định Buôn Ma Thuột là điểm yếu nhất, lại là địa bàn cơ động nhất ở Tây Nguyên (anh Thảo hiểu Tây Nguyên nên phân tách đúng và sắc) và từ lúc ấy đã có chỉ thị cho anh Thảo chuẩn bị chiến trường. Học viện quân sự cũng bắt đầu nghiên cứu phương án tác chiến
4)- Một số điểm khác về trận Tổng tấn công mùa Xuân 1975 nếu đưa ra bàn thì cũng còn có ý kiến. Lúc này, nên cố gắng ghi lại sự kiện lịch sử cho chính xác. Nếu muốn bàn thì nên có đủ các đồng chí lãnh đạo và chỉ huy chủ chốt lúc bấy giờ. Rất tiếc là anh Thái và anh Tấn không còn. Nhiều anh khác hiện cũng rất bận. Hay là ai có ý kiến như thế nào thì cứ viết ra cũng được, nói rõ là ý kiến của cá nhân mình
Thân
Văn”

(*) Bổ sung ảnh, ngày 18/3.


VỀ NGHỊ QUYẾT 15 - MỘT QUYẾT ĐỊNH CHIẾN LƯỢC


                                                                           TS Lê Trung Nguyệt

Cách đây 55 năm - năm 1959, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (HNTƯ15) khóa II đã thông qua một quyết định lịch sử: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”(1). Để đi tới quyết định chiến lược này, HNTƯ15 phải họp kéo dài thành hai đợt: đợt 1 từ ngày 12 đến 22-1-1959. Đợt 2: vào tháng 5-1959. Đề án hội nghị phải sửa chữa, bổ sung và hoàn thiện gần 30 lần, chưa kể thời gian chuẩn bị đề án đã mất hai năm ở miền Bắc và hơn ba năm ở miền Nam(2). Sự phức tạp và khó khăn này là do có những tác động chồng chéo, cả chủ quan và khách quan.
Hình ảnh của Về Nghị quyết 15 - một quyết định chiến lược
Sau Hiệp định Genève năm 1954, Mỹ đã lộ rõ nguyên hình “diều hâu”: thay chân Pháp, xúi giục chính quyền Diệm phá hoại hiệp định - không thực hiện tổng tuyển cử, thi hành chính sách thực dân mới ở miền Nam nhằm chia cắt lâu dài đất nước ta như là một “mắt xích” trong chiến lược “Ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản” ở châu Á. Âm mưu thâm độc của Mỹ đã được Bác Hồ dự liệu từ trước. Ngày 8-5-1954, trong “Thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch”(3). Còn về công tác tư tưởng, Người đã chỉ đạo đồng chí Tố Hữu: “Chiến thắng Pháp rồi, phải nhớ trước mặt ta còn có kẻ địch hùng mạnh hơn, hung ác hơn, đó là đế quốc Mỹ”(4).
Tháng 8 năm 1954, đồng chí Lê Duẩn khi đó đang công tác ở Quảng Ngãi, đã nhận được lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào Nam để cùng với Xứ ủy Nam Bộ lãnh đạo phong trào cách mạng trong tình hình mới khi đất nước bị tạm thời chia cắt làm hai miền theo vĩ tuyến 17. Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Bác về âm mưu thâm độc của địch và từ thực tiễn đầy xương máu của phong trào quần chúng từ nông thôn tới đô thị trong cuộc đấu tranh chống “tố cộng” và “diệt cộng” của địch, qua nhiều lần trao đổi, tháng 8 năm 1956, đồng chí Lê Duẩn đã hoàn thành bản dự thảo “Đề cương cách mạng miền Nam” ngay tại căn nhà số 29 đường Huỳnh Khương Ninh, gần chợ Đa Kao (nay thuộc quận 1, TP.Hồ Chí Minh). Với tư duy chiến lược vượt trội của “ngọn đèn 200 nến”, đồng chí đã sớm đi tới chân lý: “Nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống Mỹ - Diệm, để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó, không còn con đường nào khác”(5).
Vào cuối tháng 4 năm 1957, đồng chí Lê Duẩn đã được Bộ Chính trị và Bác Hồ điều ra Hà Nội. Đồng chí được phân công chủ trì công việc của Ban Bí thư và cùng một số đồng chí lãnh đạo khác chuẩn bị cho HNTƯ15. Sau khi đồng chí Lê Duẩn lên đường ra Bắc, Xứ ủy Nam Bộ đã cử đồng chí Phan Văn Đáng - Ủy viên Thường vụ Xứ ủy và đồng chí Phạm Văn Xô - Xứ ủy viên ra Hà Nội báo cáo tình hình và xin ý kiến Trung ương về chủ trương, đường lối cách mạng miền Nam. Tháng 8-1957, hai đồng chí ra tới Hà Nội, nhưng phải chờ từ đó tới qua năm 1958, đến tháng 1-1959 mới được dự họp “thảo luận ở tổ”. Trong đợt 1 của HNTƯ15 (mở rộng), “khi bàn về phương pháp tiến hành chiến tranh cách mạng miền Nam, có nhiều ý kiến nêu trong hội nghị:
- Loại ý kiến thứ nhất đề nghị vũ trang và tiến hành chiến tranh du kích, xây dựng căn cứ địa.
- Loại ý kiến thứ hai không đồng ý tiến hành đấu tranh vũ trang mà phải dựa vào pháp lý của Hiệp định Genève, đấu tranh bằng phương pháp hòa bình.
- Loại ý kiến thứ ba cho rằng phải khởi nghĩa nhưng làm từng bước”(6).
Sau HNTƯ15 đợt 1 không thấy kết quả, trong khi đó thì phong trào ở miền Nam lại đang trong cảnh “nước sôi lửa bỏng”, không thể chờ đợi hơn được nữa, hai đồng chí Phan Văn Đáng và Phạm Văn Xô đã xin về Nam. Đồng chí Lê Duẩn đã bố trí cho hai đồng chí tới chào Bác Hồ và nhắc: “Cứ nói hết tình hình miền Nam với Bác”(7). Trong cuộc gặp lịch sử này, Bác đã căn dặn hai đồng chí: “Các chú về báo cáo với Xứ ủy: nhất định không để cho địch tiêu diệt lực lượng cách mạng ở miền Nam. Một cấp ủy phải vừa có trách nhiệm với cấp trên; vừa phải có trách nhiệm với bên dưới mới đúng, thường người ta chỉ nhấn mạnh trách nhiệm với trên là không đúng. Trung ương ở xa, Xứ ủy vừa có trách nhiệm với Trung ương, vừa phải có trách niệm với Đảng bộ và nhân dân miền Nam”(8). Hai đồng chí đã trao đổi hai ngày với đồng chí Lê Duẩn trước khi trở lại chiến trường Nam Bộ. Đồng chí Lê Duẩn nhắn nhủ: “Bác nói thế rồi. Vậy các anh về báo cáo với Xứ ủy cứ thế mà làm!”(9).
Trong thời gian sau Hiệp định Genève năm 1954, tình hình quốc tế và trong nước đều có nhiều khó khăn và trở ngại. Ở Liên Xô nổi lên vấn đề “xét lại” và chủ trương “thi đua hòa bình” với Mỹ, lo ngại “một đốm lửa nhỏ” có thể gây “cháy rừng” - bùng lên thành chiến tranh lớn. Trung Quốc thì ủng hộ “trường kỳ mai phục”. Những quan điểm này đã tác động tới ta. Có ý kiến cho rằng: “Chúng ta kiên quyết đấu tranh lâu dài để thực hiện thống nhất nước nhà. Đó cũng tức là cuộc thi đua hòa bình giữa chế độ chính trị của miền Bắc và chế độ chính trị của miền Nam ở trong phạm vi một nước, đi đôi với cuộc thi đua hòa bình ở trên thế giới giữa chế độ xã hội chủ nghĩa và chế độ tư bản chủ nghĩa”(10). Trong thư “Gửi anh Mười Cúc và các đồng chí Nam Bộ ngày 7-2-1961”, đồng chí Lê Duẩn nhắc lại: “Hồi ấy, có đồng chí đề nghị không nên đấu tranh vũ trang vì sợ rằng dùng lực lượng vũ trang sẽ có hại cho việc đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ. Nhưng tôi đã trình bày, đã nói rõ sự cần thiết phải xây dựng lực lượng vũ trang”(11).
Vào tháng 12-1958, đồng chí Nguyễn Văn Linh - Bí thư Xứ ủy Nam Bộ đã nhận được đơn thư của hàng chục lão nông tỉnh Thủ Dầu Một chất vấn: “Xứ ủy có báo cáo để Bác Hồ và Trung ương biết tình hình miền Nam hay không mà chịu khoanh tay, để địch đàn áp bừa bãi, muốn giết ai chúng chỉ cần vu cho người đó là cộng sản”(12). Nhân dân xã Hòa Hội, tỉnh Tây Ninh đã ký tên vào bức tâm thư gửi lên Bác Hồ báo cáo: “Nhân dân bị khủng bố, cán bộ bị giết hại, xin cho bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc trở về đánh giặc, cứu dân”(13). Trong một cuộc mít tinh, có cụ già nghẹn ngào, uất ức nói với đồng bào: “Bác Hồ ơi! Mỹ - Diệm nó ác độc quá lắm rồi. Bác cho phép đồng bào bắn nát đầu chúng nó”(14).
Lật lại Biên niên sử của Đảng, có thêm một sự kiện đáng lưu ý là: sau khi BCHTƯ đã có “Thông cáo HNTƯ15 (mở rộng) của Đảng Lao động Việt Nam về kiểm điểm tình hình và đề ra nhiệm vụ đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà” - đăng trên báo Nhân Dân ngày 14-5-1959, nhưng Nghị quyết Trung ương 15 vẫn chưa được phổ biến kịp thời cho Xứ ủy Nam Bộ để quán triệt và thực hiện, trong khi kẻ địch đang khủng bố những người yêu nước kháng chiến rất tàn bạo theo đạo luật phát xít - Luật 10/59 được Ngô Đình Diệm ban hành từ tháng 5-1959.
Từ yêu cầu của thực tiễn phong trào và từ tinh thần của bản “Đề cương cách mạng miền Nam”, trong các ngày 4, 17, 25-6-1959, Xứ ủy Nam Bộ đã liên tiếp điện gửi BCHTƯ Đảng, báo cáo về tình hình địch tăng cường khủng bố ở Tây Nam Bộ và khẳng định: “Sự đàn áp khốc liệt của địch làm cho nhân dân Nam Bộ không còn con đường nào khác phải vùng lên chống lại đế quốc Mỹ và tay sai”(15).
Ngày 25-9-1959, Bộ Chính trị đã gửi điện trả lời Xứ ủy Nam Bộ một số vấn đề, trong đó có chỉ đạo: “…2. Quá trình giải phóng dân tộc phải tiến lên đấu tranh vũ trang, nhưng hiện nay chưa phải là phát động chiến tranh du kích, dù là cục bộ…”(16). Nhưng thực tiễn phong trào cách mạng sinh động ở miền Nam đã diễn ra theo logic khác. Đó là logic “tồn tại hay không tồn tại” dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo sát sao của Xứ ủy Nam Bộ. Nhớ lời Bác và đồng chí Lê Duẩn căn dặn theo truyền đạt của hai đồng chí Phạm Văn Xô và Phan Văn Đáng khi xin về Nam sau đợt họp đầu tiên của HNTƯ15 nhưng chưa có kết quả, tập thể Xứ ủy Nam Bộ đứng đầu là Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nêu cao tinh thần dám chịu trách nhiệm trước Đảng và trước nhân dân, chủ động và sáng tạo, một mặt tiếp tục báo cáo, kiến nghị với Trung ương về chủ trương đấu tranh vũ trang, mặt khác, luôn bám sát cơ sở để chỉ đạo phong trào quần chúng đấu tranh với địch.
Một trong các trận đánh tiêu biểu là ngày 26-9-1959, tiểu đoàn 502 và đại đội Bảy Phú có tăng cường một tổ của đại đội Năm Bình - bộ đội địa phương của tỉnh Kiến Phong đã đánh thắng một cuộc hành quân càn quét cấp trung đoàn của địch vào Giồng Thị Đam và Gò Quản Cung là những địa điểm nằm sâu trong vùng Đồng Tháp Mười, giáp ranh hai quận Hồng Ngự và Thanh Bình, tiêu diệt 12 tên, bắt sống 105 tên, thu 7 trung liên, 120 tiểu liên, 12 máy bộ đàm và nhiều đạn dược. Chiến thắng này đã cổ vũ nhân dân Trung Nam Bộ nổi dậy Đồng khởi. “Tức nước vỡ bờ”, quân và dân ở nhiều địa phương Nam Bộ đã vùng lên, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, chống địch càn quét, phá tan bộ máy ngụy quyền ở cơ sở, giành quyền làm chủ và xây dựng căn cứ địa cách mạng.
Ngày 11-10-1959, Xứ ủy Nam Bộ lại điện gửi BCHTƯ Đảng kiến nghị phát động đấu tranh vũ trang, duy trì và mở rộng căn cứ địa cách mạng. Xứ ủy đề nghị: 
- Đề nghị xem lại ý kiến trong bức điện trước của Trung ương cho rằng: “Hiện nay chưa phải là phát động du kích chiến tranh dù phát động cục bộ”. Xứ ủy cho rằng nên phát động đấu tranh vũ trang ngay.
- Đề nghị tổ chức cuộc họp giữa Xứ ủy Nam Bộ và Liên khu ủy Khu V để trao đổi tiến hành kế hoạch phối hợp hoạt động cho ăn khớp… Nếu Trung ương Đảng xúc tiến việc lập Trung ương Cục miền Nam để lãnh đạo đấu tranh thì tốt nhất.
- Đề nghị Trung ương Đảng bổ sung gấp cho Nam Bộ một số cán bộ quân sự…”(17).
Thực tế sau này đã cho thấy đó là những đề nghị hết sức kịp thời, sáng suốt, đầy trách nhiệm trước Đảng và sinh mạng của nhân dân, đồng thời có tính khả thi rất cao. Nhưng ngày 20-10-1959, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra chỉ thị về phương hướng công tác trước mắt của Đảng Bộ Nam Bộ, trong đó nhấn mạnh: “…chủ yếu là cố gắng giữ phong trào, tiếp tục lấy đấu tranh chính trị của quần chúng làm căn bản để chống chính sách khủng bố tàn bạo và âm mưu chuẩn bị chiến tranh của địch… Hạn chế của Trung ương Đảng là vẫn chủ trương giới hạn hoạt động của lực lượng vũ trang chỉ có tính chất “chiến thuật nhất thời”, coi là “sai lầm” nếu mở rộng hoạt động vũ trang”(18).
Ngày 24-10-1959, Xứ ủy Nam Bộ đã có hai bức điện liên tiếp gửi BCHTƯ Đảng báo cáo tình hình phong trào đấu tranh ở miền Tây Nam Bộ và tiếp tục đề nghị đấu tranh vũ trang ở miền Nam. Xứ ủy đã nêu rõ: “… Địch tập trung quần chúng chứng kiến những cuộc tra tấn, hành quyết những người cách mạng bằng các hình thức khủng khiếp như mổ bụng, moi gan, cắt từng đoạn ruột, lóc thịt, móc mắt… để uy hiếp tinh thần nhân dân. Ở Long Mỹ chúng đem máy chém để giết người không cần xét xử… Những đợt khủng bố dồn dân, đuổi nhà, cướp đất đã làm hàng ngàn người dân vô tội bị chết, ruộng đất bị bỏ hoang dẫn đến nạn đói trầm trọng trong nhân dân…
Trong 6 tháng đấu năm 1959, có tất cả 3.475 cuộc đấu tranh tương đối tập trung…, số cuộc đấu tranh chống khủng bố gấp đôi số cuộc đấu tranh suốt năm 1958.
Chính sách độc tài phát xít của Mỹ - Diệm làm cho phong trào cách mạng bị thiệt hại nặng nề. Chậm nổi dậy đấu tranh ngày nào, cách mạng sẽ bị thiệt hại thêm ngày đó. Yêu cầu nổi dậy đấu tranh vũ trang của quần chúng vô cùng bức xúc.
Chính vì vậy, Xứ ủy Nam Bộ tiếp tục đề nghị Trung ương Đảng khẩn trương nghiên cứu tình hình, cho phép đấu tranh vũ trang. Chỉ có như vậy mới bảo vệ được lực lượng cách mạng miền Nam và chuyển từ thế bị động sang thế chủ động, mới có thể đánh bại được kẻ thù hung ác, tàn bạo”(19).
Tuy nhiên phải tới 20 ngày sau - ngày 14-11-1959, Ban Bí thư Trung ương Đảng mới điện toàn văn Nghị quyết HNTƯ15 cho Xứ ủy Nam Bộ. Sau đó, giữa tháng 11-1959, Xứ ủy Nam Bộ triệu tập Hội nghị lần thứ tư tại vùng căn cứ Trảng Chiêng, Tây Ninh do đồng chí Nguyễn Văn Linh chủ trì, nhằm quán triệt nghị quyết của Trung ương đối với cách mạng miền Nam(20).
Từ tiến trình khách quan của các sự kiện lịch sử, có thể thấy hai sự chậm trễ: chậm trễ kéo dài gần ba năm (tính từ tháng 7-1956 khi Mỹ - Diệm hủy bỏ tổng tuyển cử) mới đi tới Nghị quyết 15 (tháng 5-1959) và chậm trễ kéo dài 6 tháng (từ tháng 5 tới tháng 11) mới phổ biến nghị quyết này cho Xứ ủy Nam Bộ. Sự chậm trễ trong chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng ở miền Nam có nhiều nguyên nhân, trong đó có “nhận thức mơ hồ về bản chất của chủ nghĩa đế quốc, cũng như các vấn đề về chiến tranh và hòa bình, vai trò của vũ khí hạt nhân, chung sống hòa bình, thi đua kinh tế, quá độ hòa bình v.v…; có tư tưởng hòa bình chủ nghĩa…, có lúc lặp lại hoặc phổ biến tư tưởng sai lầm của chủ nghĩa xét lại”(21). Chỉ trong 4 năm (1955-1958), 9/10 số cán bộ, đảng viên đã bị tổn thất. Riêng Nam Bộ chỉ còn 5.000 đảng viên so với 60.000 đảng viên trước đó. Ở đồng bằng Liên khu V, có khoảng 40% tỉnh ủy viên, 60% huyện ủy viên, 70% chi ủy viên bị địch giết hại, 12 huyện không còn cơ sở Đảng(22). Tính riêng ở hai tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng, trong ba năm từ 1957 đến 1959, gần một vạn cán bộ, đảng viên đã bị giết, tù đày. Ở Bến Tre, 17.000 người bị bắt, tù đày và bị đánh đập đến tàn phế, 100 cán bộ bị thủ tiêu bí mật. Có nhiều xã không còn chi bộ Đảng, nhiều xã chỉ còn một vài đảng viên. Tại trại giam Phú Lợi ở Thủ Dầu Một có 6.000 người, kẻ thù đã đầu độc làm cho 1.000 người chết ngay, 4.000 người bị trúng độc nặng(23).
Tuy có sự chậm trễ, nhưng Nghị quyết Trung ương 15 khóa II đã đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của cách mạng miền Nam và nhanh chóng biến thành Phong trào Đồng khởi rộng khắp, tạo ra bước phát triển mới làm thất bại từng bước cuộc “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở miền Nam và do đó đã tạo đà cho các thắng lợi tiếp theo của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Để tiếp tục khẳng định tầm vóc lịch sử của nghị quyết này, “Thông báo về các kết luận Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII” tháng 7-1997 đã chỉ rõ: “Nghị quyết 15 của Trung ương khóa II là sản phẩm trí tuệ của toàn Đảng, của tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị khóa II, xuất phát từ những định hướng chiến lược đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tháng 7-1954 khi hòa bình vừa mới lập lại trên một nửa đất nước, có sự trực tiếp chỉ đạo công phu của đồng chí Lê Duẩn, quyền Tổng Bí thư lúc bấy giờ, cùng một số đồng chí trong Bộ Chính trị và trong Trung ương. Nghị quyết phản ánh đúng nguyện vọng của đồng bào, đồng chí ở miền Nam nước ta lúc đó”(24).
55 năm đã trôi qua, nhưng bài học về Nghị quyết 15 khóa II của BCHTƯ Đảng vẫn giữ nguyên ý nghĩa thời sự cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Đó là tư duy cách mạng tiến công, độc lập tự chủ và sáng tạo, “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh... Trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”(25). Đó là bản lĩnh cách mạng kiên cường dám vượt lên sự chèn ép, lôi kéo và chi phối của các nước lớn trong ván bài lợi ích và cạnh tranh chiến lược giữa họ với nhau. Đảng lãnh đạo cũng “như người cầm lái, phải chèo chống thế nào để đưa chiếc thuyền Tổ quốc vượt khỏi những cơn sóng gió, mà an toàn đi đến bến bờ hạnh phúc của nhân dân”(26). Để làm được điều đó, phải thường xuyên nâng cao cảnh giác và kiên quyết đấu tranh “khắc phục những khuynh hướng sai lầm hữu và “tả” trong nội bộ Đảng”(27). Đồng thời phải thực hiện nghiêm chỉnh lời dạy của Bác Hồ: “Tuyệt đối trung thành và thật thà với Đảng, không giấu diếm, xuyên tạc sự thật và cũng không dung túng cho ai giấu diếm, xuyên tạc sự thật với Đảng”(28).

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, NXB CTQG, HN, 2002, t.20, tr.82. 
(2) Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng: Lê Duẩn và Cách mạng Việt Nam, NXB CTQG, HN, 2007, tr.68. 
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, NXB CTQG, HN, 1996, tr.272. 
(4) Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: Những mốc son lịch sử, NXB CTQG, HN, 2010, tr. 557. 
(5) Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng: Lê Duẩn và Cách mạng Việt Nam, NXB CTQG, HN, 2007, tr.221. 
(6) Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), NXB CTQG, HN, 2008, tr.197. 
(7) Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng: Lê Duẩn và Cách mạng Việt Nam, NXB CTQG, HN, 2007, tr.69. 
(8) Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), NXB CTQG, HN, 2008, tr.203 (TG in đậm). 
(9) Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng: Lê Duẩn và Cách mạng Việt Nam, NXB CTQG, HN, 2007, tr.69. 
(10) Báo Nhân Dân, ngày 12-7-1956, tr.3. 
(11) Lê Duẩn: Thư vào Nam, NXB QĐND, HN, 2005, tr.8 (Mười Cúc là đồng chí Nguyễn Văn Linh). 
(12), (13) Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), NXB CTQG, HN, 2008, tr.190. 
(14) Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), NXB CTQG, HN, 2008, tr.191 (TG in đậm). 
(15) Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), NXB CTQG, HN, 2008, tr.208-209 (TG in đậm). 
(16) Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), NXB CTQG, HN, 2008, tr.210-211 (TG in đậm). 
(17) Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), NXB CTQG, HN, 2008, tr.212-215 (TG in đậm). 
(18) Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), NXB CTQG, HN, 2008, tr.216-218 (TG in đậm). 
(19) Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), NXB CTQG, HN, 2008, tr.218-221 (TG in đậm). 
(20) Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), NXB CTQG, HN, 2008, tr.223. 
(21) Văn kiện Đảng toàn tập, NXB CTQG, HN, 2003, tr.782. 
(22) Phong trào Đồng khởi - 50 năm nhìn lại, NXB CTQG, HN, 2010, tr.7. 
(23) Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: Những mốc son lịch sử, NXB CTQG, HN, 2010, tr.483. 
(24) Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: Những mốc son lịch sử, NXB CTQG, HN, 2010, tr.485. 
(25) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, NXB CTQG, HN, 2009, tr.47-48. 
(26) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, NXB CTQG, HN, 2009, tr.165.
(27) Văn kiện Đảng toàn tập, NXB CTQG, HN, 2003, tr.779. 
(28) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, NXB CTQG, HN, 1996, tr.203.

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2018

NGHỊ QUYẾT T.Ư VỀ GIẢI PHÓNG MIỀN NAM RA ĐỜI NHƯ THẾ NÀO?

        TP - Năm 1957, cách đây đúng nửa thế kỷ, hai ông Hoàng Tùng và Trần Quang Huy được Bác Hồ và Bộ Chính trị trao trọng trách chấp bút bản Dự thảo Nghị quyết Trung ương 15 (Khóa hai) dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nhà cách mạng lão thành Hoàng Tùng (bên trái)
đang trả lời phỏng vấn của nhà nghiên cứu Nhật Hoa Khanh (tháng 1/2007)
Sinh năm 1919 tại Nam Định, nhà giáo Hoàng Tùng hoạt động cách mạng từ 1937 và bị tù tại Sơn La, Nam Định và Hỏa Lò (Hà Nội). Ông đã từng giữ các trọng trách: Bí thư Trung ương Đảng,Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Năm 1957, cách đây đúng nửa thế kỷ, hai ông Hoàng Tùng và Trần Quang Huy được Bác Hồ và Bộ Chính trị trao trọng trách chấp bút bản Dự thảo Nghị quyết Trung ương 15 (Khóa hai) dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Chiều 18 /1/ 2007, tại nhà riêng ông Hoàng Tùng ở Hà Nội, nhà nghiên cứu Nhật Hoa Khanh được ông Hoàng Tùng kể lại sự kiện đặc biệt quan trọng nói trên.
Ngay sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (tháng 5 /1954) chấn động toàn cầu, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở về căn cứ địa Việt Bắc báo cáo chiến công với Bác Hồ và Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Bác Hồ đã nói một câu có tầm nhìn xa và tầm chiến lược: NHÂN DÂN TA CÒN PHẢI TIẾP TỤC CHỐNG MỸ.
Cũng dịp đó, trong bối cảnh quốc tế vô cùng phức tạp và hết sức bất lợi đối với ta, mặc dầu phải chịu  sức ép rất  nặng nề từ nhiều phía, Bác Hồ và Tổng Bí thư Trường Chinh cùng tất cả các thành viên khác trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng (tức Bộ Chính trị) đã hết sức sáng suốt, kịp thời và chủ động chấp nhận việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ với điều kiện vô cùng khắc nghiệt: tạm thời chia cắt nước ta làm đôi, ranh giới là vĩ tuyến 17.
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ (tháng 7/1954) được ký kết, trong các hội nghị Trung ương và các cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhấn mạnh Ý CHÍ VÀ THIỆN CHÍ hòa BÌNH CỦA TOÀN THỂ DÂN TỘC VIỆT NAM.
Từ năm 1950, đế quốc Mỹ bắt đầu can thiệp và can thiệp ngày càng sâu vào chiến tranh Việt Nam. Ngay sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Mỹ càng can thiệp vào Việt Nam mạnh hơn nữa và bắt đầu từng bước tiến hành một cuộc chiến tranh đơn phương ở miền Nam nước ta. Từ 1957 đến 1958, 1959, Mỹ – Diệm công khai dùng máy chém và súng đạn liên tiếp giết hại dã man nhiều người kháng chiến còn ở lại miền Nam không tập kết ra Bắc. Vì vậy, một bộ phận nhân dân miền Nam buộc phải nổi dậy chống Mỹ – Diệm ngay từ những tháng năm đau thương ấy.
Trong vấn đề này, có công lao to lớn của các tổ chức Đảng ở miền Nam và của anh Lê Duẩn, người lãnh đạo cao nhất ở Nam Bộ thời kỳ đó.
Với Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơ-ne-vơ, cuộc kháng chiến chống Pháp giành được thắng lợi vĩ đại, Hà Nội và nửa phía Bắc của Tổ quốc được hoàn toàn giải phóng.
Mặc dầu khi ấy khó khăn chồng chất khó khăn, Thủ đô Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung vẫn nhanh chóng trở thành căn cứ địa toàn diện và hùng mạnh của toàn bộ cuộc chống Mỹ cứu nước. Hà Nội và miền Bắc giành hết sức người, sức của, trí tuệ và vũ khí, thuốc men, lương thực… vào miền Nam cùng nhân dân miền Nam đấu tranh giải phóng miền Nam – thống nhất nước nhà.
Vẫn trong một bối cảnh quốc tế vô cùng phức tạp và hết sức bất lợi cho ta như tôi đã nói ở trên, từ rừng núi Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội sau 9 năm kháng chiến cực kỳ gian khổ và anh dũng, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ phải giải quyết vô số vấn đề trọng yếu. Khó khăn càng tăng khi cải cách ruộng đất phạm sai lầm nghiêm trọng, Tổng Bí thư Trường Chinh phải từ chức.
Giữa tình hình trong nước rối bời như vậy, Bác Hồ tạm thời giữ chức Tổng Bí thư. Hai đồng chí Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Duy Trinh được Bộ Chính trị trao trách nhiệm giúp Tổng Bí thư Hồ Chí Minh giải quyết công tác hàng ngày.
Tháng 5/1955, ngay sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, đường giải phóng mới đi một nửa, toàn dân Việt Nam ai nấy đều mong muốn giải phóng miền Nam – thống nhất đất nước. Nhưng giải phóng miền Nam – thống nhất đất nước theo đường lối nào và bằng phương pháp nào, đó là cả một vấn đề trọng đại và vô cùng phức tạp mà thực tế lịch sử đặt ra cho dân tộc Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, phải có trí tuệ tập thể, phải bàn luận thật kỹ lưỡng và thật thận trọng.
Vì vậy, khoảng đầu năm 1957, Bộ Chính trị, đứng đầu là Bác Hồ, quyết định chuẩn bị hai việc lớn:
Một: Triệu tập Hội nghị Trung ương 15 (Khóa hai) mở rộng để bàn luận và quyết định đường lối và phương pháp cách mạng giải phóng miền Nam.
Hai: Triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ ba của Đảng để bàn luận và quyết định đường lối xây dựng và phát triển miền Bắc làm cơ sở cho cuộc cách mạng giải phóng miền Nam.
Việc chỉ đạo chấp bút bản dự thảo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 (Khóa hai)  được Bộ Chính trị giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Hai người giúp anh Võ Nguyên Giáp chấp bút bản dự thảo đó, cũng do Bộ Chính trị chỉ định, gồm Trần Quang Huy (lúc ấy là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó ban thường trực Ban Tuyên huấn Trung ương) và tôi (tức Hoàng Tùng, lúc ấy là Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó ban Ban Tuyên huấn Trung ương).
Mùa hè 1957, từ Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tôi cùng Trần Quang Huy xuống Đồ Sơn (Hải Phòng), làm việc trong khu nghỉ mát Pa-gốt-đông nổi tiếng. Tại đây, chúng tôi làm việc mấy đợt, mỗi đợt gồm nhiều buổi.
Mở đầu buổi làm việc đầu tiên, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đặc biệt nhắc nhở Trần Quang Huy và tôi phải thấm nhuần ý tưởng NHÂN DÂN TA CÒN PHẢI TIẾP TỤC CHỐNG MỸ và ý tưởng TRANH THỦ MỌI THỜI CƠ ĐỂ Hòa BÌNH THỐNG NHẤT NƯỚC NHÀ của Bác Hồ. Đó chính là ánh sáng chỉ đạo toàn bộ quá trình chấp bút bản dự thảo. Anh Võ Nguyên Giáp nhắc chúng tôi như vậy.
Do phong cách làm việc dân chủ vốn có, anh Võ Nguyên Giáp thường chủ động mời hai chúng tôi phát biểu trước, rồi sau đó, anh mới trình bày ý kiến của mình. Chính vì vậy, tại Đồ Sơn, trong quá trình soạn thảo, khi hai chúng tôi được anh hỏi ý kiến thì tôi đã nêu lên hai vấn đề cơ bản của Dự thảo Nghị quyết 15 (Khóa hai).
Thứ nhất: Sử dụng phương pháp đấu tranh vũ trang, đấu tranh bằng bạo lực cách mạng. Chúng ta buộc phải sử dụng phương pháp này bởi vì Mỹ _ Diệm ngày càng tăng cường lùng sục và giết hại những người kháng chiến cũ ở miền Nam và luôn miệng hô hào “Bắc tiến”.
Về vấn đề thứ nhất, Trần Quang Huy cũng suy nghĩ như tôi.
Thứ hai: Tập hợp sức mạnh toàn thể dân tộc để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Về vấn đề thứ hai, tôi trình bày với Đại tướng như sau:  Ở Việt Nam, cần phải tập trung thực hiện nhiệm vụ thống nhất toàn thể dân tộc, đoàn kết toàn thể dân tộc hơn là thực hiện một cuộc đấu tranh giai cấp. Muốn giải phóng miền Nam, ngoài việc thực hiện phương pháp đấu tranh vũ trang, phải thống nhất toàn thể dân tộc, tập hợp toàn thể dân tộc, đoàn kết toàn thể dân tộc theo đúng tư tưởng Bác Hồ.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp hoàn toàn nhất trí với hai vấn đề cơ bản nêu ở trên.
Tuy nhiên, cũng cần nói rõ: trước khi được biết ý kiến nói trên của tôi, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong những cuộc họp Trung ương hoặc Bộ Chính trị hoặc trong những cuộc trò chuyện với nhiều Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Trung ương Đảng vào những năm 1955 _ 1956 và đầu năm 1957 cũng đã từng khẳng định ý nguyện hoà bình của toàn dân, toàn Đảng, đồng thời căn cứ vào thực tiễn Việt Nam và thực tiễn quốc tế,  kiên trì và chủ động đưa ra giải pháp đấu tranh vũ trang và giải pháp đoàn kết toàn thể dân tộc, đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Dưới sự chỉ đạo của anh Võ Nguyên Giáp, tôi và Trần Quang Huy chấp bút thuận lợi bản Dự thảo Nghị quyết 15 (Khóa hai) vì cả ba chúng tôi, nhất là đại tướng  Võ Nguyên Giáp, đều hiểu thấu ý tưởng tranh thủ mọi thời cơ để hoà bình thống nhất đất nước, ý tưởng đấu tranh vũ trang và ý tưởng đoàn kết toàn dân, đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao của Bác Hồ.
Tuy nhiên, việc chấp bút không phải không có khó khăn.  Trong quá trình nhiều lần chấp bút, khó khăn lớn nhất chính là ở chỗ: phải viết như thế nào, phải phân tích như thế nào, phải lý giải như thế nào, phải chứng minh như thế nào để khẳng định rằng:
1. Mặc dầu sức ép từ nhiều phía đối với Việt Nam hết sức nặng nề, tình hình quốc tế vô cùng phức tạp, nội bộ phe xã hội chủ nghĩa bất hòa ngày càng nghiêm trọng, Đảng ta vẫn phải tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập và tự chủ, giữ vững vai trò lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước;
2. Mặc dầu toàn dân và toàn Đảng luôn luôn tranh thủ các cơ hội hòa bình, nhưng trong tình hình thực tiễn nước sôi lửa bỏng của miền Nam lúc đó, để giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, Đảng ta buộc lòng phải sử dụng phương pháp đấu tranh vũ trang, đấu tranh quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao, đoàn kết toàn dân trong một cuộc cách mạng lâu dài và gian khổ.
Chính vì vậy, tôi và Trần Quang Huy phải viết đi viết lại bản dự thảo nhiều lần. Lần nào, bản dự thảo, sau khi sửa chữa xong, cũng được sao thành nhiều bản gửi lên Bác Hồ và từng Ủy viên Bộ Chính trị để xin ý kiến. Lần nào cũng vậy, Bác Hồ và các thành viên khác của Bộ Chính trị cũng đều góp ý kiến chu đáo. Bác Hồ luôn luôn góp cho bản dự thảo ý tưởng hòa bình thống nhất nước nhà và ý tưởng đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, chỉ vũ trang đấu tranh khi tình thế bắt buộc.
Tiếp nhận nghiêm túc ý kiến của Bác Hồ và của các Ủy viên Bộ Chính trị, càng về sau, bản dự thảo càng trở nên đầy đủ hơn;  càng biểu hiện được rõ ràng hơn hai vấn đề cơ bản đấu tranh vũ trang và đoàn kết toàn dân, đấu tranh chính trị,  đấu tranh ngoại giao như trên đã nói.
Khoảng cuối 1958, bản dự thảo cuối cùng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ đạo tôi và Trần Quang Huy chấp bút được hoàn thành.
Như những lần trước, lần này, Văn phòng Trung ương Đảng tiếp tục sao thành nhiều bản trình lên xin ý kiến Bác Hồ và từng Ủy viên Bộ Chính trị. Sau đó, được tiếp tục sao gửi đến từng Ủy viên Trung ương.
Trong Đề cương, anh Lê Duẩn sớm nêu lên ý tưởng sâu sắc sử dụng bạo lực cách mạng cùng với ý tưởng tập hợp toàn thể các tầng lớp nhân dân, ý tưởng tổng khởi nghĩa giành chính quyền để giải phóng miền Nam.
Lúc này, từ miền Nam, anh Lê Duẩn đã ra tới Hà Nội. Sau một thời gian nghỉ ngơi, tìm hiểu tình hình thực tiễn miền Bắc và quốc tế, đồng chí Lê Duẩn được Bác Hồ cùng Bộ Chính trị trao cho cương vị tương đương Quyền Tổng Bí thư.
Khi bản dự thảo cuối cùng nói trên được chuyển lên xin ý kiến Bác Hồ, Bác xem và cơ bản tán thành. Sau đó, Người chỉ thị: chuyển chú Ba xem. (Ba là tên gọi thân mật của anh Lê Duẩn).
Chấp hành chỉ thị của Bác Hồ, đồng chí Lê Duẩn xem và cơ bản nhất trí. Sau đó, anh Lê Duẩn gọi tôi và Trần Quang Huy đến giúp anh viết một số ý kiến bổ sung vào bản dự thảo cuối cùng Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 (Khóa hai) nói trên. Trong quá trình bổ sung một số ý kiến vào bản dự thảo cuối cùng này, đồng chí Lê Duẩn chỉ đạo tôi và Trần Quang Huy làm việc nhiều lần ở Hà Nội, Đồ Sơn và lần cuối cùng ở Bãi Cháy (Quảng Ninh).
Nhân đây, tôi cũng muốn nhấn mạnh: trong quá trình chấp bút dự thảo Nghị quyết 15 (Khóa Hai), cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hai chúng tôi đều hoàn toàn chưa được biết là tại cơ quan Xứ ủy Nam Bộ (số 290 Huỳnh Khương Ninh, Sài Gòn), từ khoảng cuối mùa khô 1955 đến tháng 8/1956, đồng chí Lê Duẩn đã chủ động viết và cơ bản hoàn thành bản Đề cương cách mạng miền Nam.
Chúng tôi cũng không được biết tháng 12/1956 và mấy tháng đầu năm 1957, tại Nông Pênh, bản Đề cương cách mạng miền Nam được thảo luận kỹ (nhưng chưa được chính thức thông qua) trong Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ mở rộng. Do đó, cả anh Võ Nguyên Giáp và hai chúng tôi đều chưa được đọc bản Đề cương ấy.
Trong Đề cương, anh Lê Duẩn sớm nêu lên ý tưởng sâu sắc sử dụng bạo lực cách mạng cùng với ý tưởng tập hợp toàn thể các tầng lớp nhân dân, ý tưởng tổng khởi nghĩa giành chính quyền để giải phóng miền Nam.
Như vậy, giữa Đề cương cách mạng miền Nam của đồng chí Lê Duẩn và dự thảo Nghị quyết 15 (Khóa hai) do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo tôi và Trần Quang Huy chấp bút có sự trùng hợp cơ bản về ý tưởng dùng bạo lực cách mạng và ý tưởng tập hợp toàn thể dân tộc để giải phóng miền Nam. Sự khác nhau giữa hai bản thuộc về lời văn và  một vài vấn đề cụ thể.
Như trên tôi đã nói, từ miền Nam ra Hà Nội, sau một thời gian tìm hiểu tình hình hết sức phức tạp của miền Bắc và tình hình quốc tế cũng hết sức phức tạp thời đó, đồng chí Lê Duẩn được Bác Hồ và Bộ Chính trị trao cho cương vị tương đương Quyền Tổng bí thư.
Từ đó, cho đến khoảng đầu năm 1959 trước khi diễn ra Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (Khóa hai), tinh thần cơ bản của Đề cương cách mạng miền Nam của đồng chí Lê Duẩn đã lần lượt được chuyển, dưới nhiều hình thức, đến các Ủy viên Bộ Chính trị cùng nhiều Ủy viên Trung ương và phát huy tác dụng tích cực của nó. 
Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (Khóa hai) mở rộng năm 1959, họp hai đợt tại Hà Nội vào mùa xuân và mùa hè, có tầm quan trọng đặc biệt đối với vận mệnh của toàn thể dân tộc. Với tinh thần trách nhiệm rất cao trước lịch sử, hội nghị tập trung thảo luận và tranh luận công khai, thẳng thắn, dân chủ, không hạn chế thời gian và cuối cùng, ra Nghị quyết về vấn đề trọng đại giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Là một trong những hội nghị lớn nhất của Trung ương từ ngày thành lập Đảng tới nay (2007), Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (Khóa hai) mở rộng nhằm góp phần chuẩn bị trực tiếp cho Đại hội toàn quốc lần thứ ba (sẽ họp vào tháng 9 /1960).
Bác Hồ khai mạc và tổng kết hội nghị. Người cũng trực tiếp chủ toạ hội nghị suốt hai đợt họp.
Tại hội nghị, Người đề nghị các đại biểu thẳng thắn nêu rõ ý kiến của mình và thực hiện tranh luận dân chủ để đi tới sự nhất trí cuối cùng. Người khẳng định: Hòa bình thống nhất nước nhà là nguyện vọng tha thiết của toàn dân, vì vậy, phải tranh thủ mọi thời cơ để thống nhất đất nước một cách hoà bình. Vũ trang đấu tranh, theo lời Người, là điều mà toàn dân ta buộc phải thực hiện một khi không có con đường nào khác.
Người nhắc nhở hội nghị cần nhận rõ quan điểm xây dựng và phát triển miền Bắc làm cơ sở cho cuộc cách mạng giải phóng miền Nam – thống nhất đất nước. Người cũng yêu cầu hội nghị phải hết sức chú trọng các quan điểm đoàn kết, thực tiễn, độc lập, tự chủ, sáng tạo, kiên định, dân chủ và dân tộc.
Trong hội nghị, Người căn dặn Ban chấp hành Trung ương phải có một đối sách đặc biệt tế nhị, khéo léo và mềm mỏng trước mọi sức ép rất nặng nề từ nhiều phía trên thế giới đối với Đảng ta lúc đó.
Là đại biểu chính thức, tôi dự hội nghị suốt từ đầu đến cuối, không sót buổi nào.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (Khóa hai) mở rộng, trước một phiên họp toàn thể, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc bản dự thảo cuối cùng (đã được đồng chí Lê Duẩn bổ sung một số ý kiến như trên đã nói). Bản dự thảo này hiện vẫn được lưu giữ tại cơ quan lưu trữ Trung ương.
Dưới sự chủ tọa từ lúc khai mạc đến lúc bế mạc của Bác Hồ, bản dự thảo cuối cùng nói trên đã được hội nghị thảo luận dân chủ và tranh luận kỹ lưỡng, đồng thời bổ sung cẩn thận. Dưới sự chủ toạ của Bác Hồ, hội nghị còn lắng nghe các báo cáo thực tế của các đại biểu Nam Bộ, Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Từ miền Nam ra Hà Nội, hai anh Phan Văn Đáng và Phạm Văn Xô thay mặt Xứ Ủy Nam Bộ báo cáo trước toàn thể hội nghị về tình hình Nam Bộ từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ đến cuối 1958. Bác Hồ khóc mấy lần khi hai anh kể lại sự đàn áp khốc liệt của Mỹ – Diệm đối với đồng bào và cán bộ, chiến sĩ miền Nam.
Sau khi nghe hai anh Lê Duẩn và Trường Chinh lần lượt trình bày ý kiến và quan điểm của mỗi người, Bác Hồ trực tiếp chỉ định Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu.
Trong bài phát biểu của mình, đồng chí Võ Nguyên Giáp khẳng định ý chí và thiện chí hoà bình của toàn thể dân tộc Việt Nam, của Bác Hồ và toàn Đảng. Sau đó, căn cứ vào tình hình thực tiễn miền Nam, miền Bắc và quốc tế, anh phân tích nhiều vấn đề trong đó có hai vấn đề lớn. Một: Đường lối vũ trang. Theo đồngchí Võ Nguyên Giáp, đường lối vũ trang là cơ bản nhất. Hai: miền Bắc. Theo đồngchí Võ Nguyên Giáp, Miền Bắc phải xây dựng và phát triển thật sự vững mạnh làm cơ sở cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam – hoà bình thống nhất nước nhà.
Trong Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (Khóa hai) mở rộng, về tầm quan trọng của các bài phát biểu thì sau các diễn văn khai mạc và bế mạc có vai trò chỉ đạo mọi mặt của Bác Hồ, ba bài phát biểu của các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp là ba bài quan trọng nhất.
Không ít lần trong quá trình hội nghị thảo luận và tranh luận, Bác Hồ đã nói: vấn đề càng ngày càng sáng.
Cuối đợt hai của hội nghị, Bác Hồ sáng suốt dự đoán: Giai đoạn đấu tranh hoà bình thống nhất đất nước sớm muộn cũng sẽ căn bản chấm dứt, giai đoạn toàn dân buộc phải cầm súng và toàn quân buộc phải trực tiếp tham gia cuộc cách mạng giải phóng miền Nam chắc chắn sẽ bắt đầu.
Người yêu cầu toàn Đảng phải tiếp tục tay siết chặt tay, đoàn kết thành một khối thống nhất để chuẩn bị lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến lần thứ hai thể nào cũng bùng nổ: cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Dưới sự điều hành điêu luyện, dân chủ và mẫu mực của người thầy Hồ Chí Minh, cuối đợt hai của Hội nghị Trung ương 15 (Khóa hai) mở rộng, bản dự thảo cuối cùng do đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc trước hội trường đã được toàn thể hội nghị bổ sung hết sức kỹ lưỡng và thận trọng, thể hiện được ý nguyện của toàn dân, trở thành thành quả lớn của trí tuệ tập thể.
Nói một cách khác, rõ hơn, dưới sự điều khiển điêu luyện, dân chủ và mẫu mực của người thầy Hồ Chí Minh, kết thúc hội nghị, một thành quả lớn của trí tuệ tập thể mang tính đoàn kết, tính hoà bình, tính thực tiễn, tính độc lập, tính tự chủ, tính chiến đấu, tính khoa học,  tính sáng tạo, tính kiên định, tính dân chủ và tính dân tộc đã ra đời.
Đó chính là Nghị quyết Trung ương 15 (Khoá hai) mở rộng về ĐƯỜNG LỐI CHIẾN LƯỢC và PHƯƠNG PHÁP CÁCH MẠNG giải phóng miền Nam – thống nhất đất nước.
Nghị quyết Trung ương 15 (Khóa hai) mở rộng lập tức thật sự trở thành ngọn đèn pha soi đường cho cách mạng giải phóng miền Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng suốt từ đó (mùa hè 1959) đến 30/4/1975, ngày toàn thắng.
Sau khi Bác Hồ qua đời, Bộ Thống soái Tối cao đứng đầu là đồng chí Lê Duẩn đã lãnh đạo Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đứng đầu là đồng chí Võ Nguyên Giáp tiếp tục kiên định cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 6 năm nữa và ngày 30/4/1975, đưa được lá cờ giải phóng dân tộc tới đích cuối cùng.  
Theo đề nghị của đồng chí Lê Duẩn, Bộ Chính trị nhất trí cử đồng chí Lê Duẩn thay mặt toàn Đảng và đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt toàn quân ngày mùng 8/ 5/1975 vào thành phố Sài Gòn để chúc mừng đồng bào và chiến sĩ miền Nam ngay sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng.
Hình ảnh Bí thư  Thứ nhất Lê Duẩn và Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ngày mùng 8/5/1975 từ chuyên cơ bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất trước sự đón tiếp nồng nhiệt của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và các anh Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng là hình ảnh tiêu biểu cho sự lãnh đạo thống nhất của Đảng đối với quân đội và sự trung thành của quân đội đối với Đảng. Hình ảnh đó nói lên vị trí quan trọng bậc nhất của hai anh Lê Duẩn và Võ Nguyên Giáp trong 6  năm cuối cùng của cuộc chống Mỹ cứu nước sau khi Bác Hồ qua đời.
*   *   *   *
Đúng 19 giờ. Trời đổ tối. Nhà cách mạng 88 tuổi Hoàng Tùng ngừng lời.
Dáng gầy yếu nhưng gương mặt vẫn tươi tỉnh, trong gió đông khá lạnh, ông tiễn tôi ra cửa phòng và siết chặt tay tôi ...
Hà Nội, 18 tháng Giêng  2007
                                                                                                   Hoàng Tùng kể
                                                                                                Nhật Hoa