Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

XÉT LẠI LỊCH SỬ CUỘC CHIẾN TRANH GIẢI PHÓNG


HÌNH NHƯ NÓ HAO HAO ĐẾN GIỐNG NHAU!

Lê Thanh Minh - Một lĩnh vực nào đó, nếu không được dư luận quan tâm, hoặc dần bị lãng quên, lĩnh vực đó sẽ chết dần, người làm nghề liên quan đến lĩnh vực đó cũng nghèo đi, thậm chí không có nổi danh gì.
Trong một thời gian dài, vấn đề lịch sử, học sử ít được quan tâm, từ gia đình, đến nhà trường và xã hội. Diễn đàn về lịch sử chỉ dành riêng cho các nhà nghiên cứu lịch sử, các sư sư, sĩ sĩ chuyên ngành lịch sử. Và có một quy luật trong đời sống của "xã hội thông tin" là, một vấn đề nào đó ít được quan tâm nhưng nếu tạo ra sự “khác biệt”, thậm chí ngược đời thì sẽ gây được sự chú ý của dư luận. Vấn đề lịch sử cũng không ngoại lệ.
Một số sư sư, sĩ sĩ nghiên cứu lịch sử vận dụng rất sáng tạo quy luật, xu thế này. Trời đang yên bổng nổi giông. Bắt đầu từ việc xét lại thân thế, sự nghiệp các anh hùng dân tộc, dư luận vẫn chưa nổi sóng, bổng có một cơn giông tố đỉnh cao là “bỏ chữ nguỵ quân, nguỵ quyền” ra đời. Đây được xem là sự khác biệt ngược đời - có thể gọi là dị biệt, lập tức làm dư luận nổi sóng cuồng phong, xuất hiện nhiều luồng ý kiến, làm cho các trang thông tin điện tử, mạng xã hội vui nhộn cả lên. Tôi xin tổng hợp tình hình cho mọi người dễ hình dung nhé:
1. Các sư sư, sĩ sĩ nghề sử viết bộ sách Lịch sử Việt Nam, gồm 15 tập đã quyết định không viết vào bộ sử chữ “nguỵ quân, nguỵ quyền”. Để chuẩn bị cho bộ sử phát hành, các vị ấy thông qua truyền thông thông báo vấn đề bỏ chữ nguỵ, thay vào đó là tên gọi chính quyền Sài Gòn, Quân đội Sài Gòn. Và giải thích với các lý do cơ bản như sau: Vì hoà hợp hoà giải dân tộc; Vì hợp với xu thế viết sử của thế giới hiện đại; vì lịch sử phải nhìn nhận công bằng, khách quan; vì đối ngoại, hội nhập của đất nước; Vì viết sử phải vượt ra khỏi ý thức hệ; Vì sẽ đòi lại được Hoàng Sa; Vì VNCH là một chính thể đã từng tồn tại trên đất nước ta, nó có quốc gia, có đất nước; Vì cách gọi nguỵ quân, nguỵ quyền là miệt thị;…
Chính việc làm bất nghĩa, phi khoa học, phi lịch sử này của các sư sư, sĩ sĩ lật sử đã bị rất đông đảo những người yêu nước chân chính lên tiếng phản đối, thành phần gồm nhân sĩ, trí thức, nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử, cựu chiến binh, cán bộ, chiến sỹ của Quân đội, thanh niên, giáo viên, sinh viên, nông dân, công nhân, kể cả người làm nghề xe ôm… Họ đã có rất nhiều bài viết phản biện, đấu tranh, phê phán với việc xét lại lịch sử của đất nước, phản biện trực tiếp với từng lý do của các sư sư, sĩ sĩ lật sử kia. Và, các sư sư, sĩ sĩ kia im lặng. Tại sao họ im lặng thì bà con cũng đã biết phần nào lý do.
2. Từ khi cái “dị biệt” trong sử học này xuất hiện, thì cũng xuất hiện 2 dòng dư luận cực kỳ sôi nổi, làm cho lĩnh vực lịch sử, vốn đã nguội lạnh bổng nhiên nóng râm ran cả lên.
- Nhóm thứ nhất: Nhiều tên nguỵ quân, nguỵ quyền (cả trong và ngoài nước), nhiều trang mạng xã hội, kênh truyền thông của các tổ chức phản động (ở ngoài nước) lên tiếng hoan ngênh, vui mừng, thậm chí có những hành động quảng bá tiếp sức cho việc bỏ tên gọi nguỵ quân, nguỵ quyền. Tại sao nhóm người này thể hiện thái độ hoan nghênh, tiếp sức cho việc lật sử thì bà con ta đều biết rõ, nhưng tựu chung lại, như bọn phản động ngoài nước tuyên bố: “VNCH trở lại”.
- Nhóm thứ hai: Một số người (chỉ một số thôi nhé) lên tiếng ủng hộ bỏ chữ nguỵ quân, nguỵ quyền trong bộ sử và trong cách gọi thường ngày của nhân dân về VNCH. Nói rõ là nhóm người này ủng hộ việc làm bất chính các sư sư, sĩ sĩ bỏ chữ nguỵ quân, nguỵ quyền. Lý do mà nhóm người này đưa ra là các lý do của các sư sư, sĩ sĩ kia. Họ tuyệt nhiên họ không có chính kiến riêng để bảo vệ cho việc bỏ chữ nguỵ quân, nguỵ quyền. Cũng có một vài người đưa ra luận chứng nhưng thực chất những luận chứng bảo vệ đó lại giống với luận điệu của bọn phản động, khi bị phản biện lại thì họ bế tắc và im lặng. Cũng đúng thôi, vì ủng hộ cái sai thì lấy đâu ra chân lý để bảo vệ cái sai chứ.
Viết đến đây, tôi thấy thế này: Các sư sư, sĩ sĩ kia nhận thấy, hai nhóm này xuất hiện đã vô tình (và có thể là hữu ý) hao hao giống nhau về cách thức, phương pháp tiếp cận, ý tứ, lý lẽ và cũng  giống luôn cái lý do của các sư sư, sĩ sĩ đưa ra để cổ suý cho việc bỏ chữ nguỵ quân, nguỵ quyền. Vì vậy tôi mới đặt tiêu đề bài viết là “HÌNH NHƯ NÓ HAO HAO ĐẾN GIỐNG NHAU!”. Còn vì sao họ giống nhau? Có giống nhau về mục đích không thì tôi chưa dám lạm bàn, mời bà con cho ý kiến.