Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM ỨNG XỬ VĂN MINH, BẢN LĨNH

BÀN VỀ TRÍ TUỆ “TUYỆT ĐỈNH” CỦA “ANH GIÁO” ĐẶNG ĐĂNG PHƯỚC

Lê Minh

Từ tiêu đề của bài, tôi không vòng vo nữa, vì muốn nói vấn đề gì và nói về ai thì đã rõ. Xin trao đổi về “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam” với “anh giáo già” (tuy tuổi chưa già) Đặng Đăng Phước.
Trên fb Đặng Phước có đăng sst kèm theo một số hình ảnh với nội dung:
“TIỀN HẬU BẤT NHẤT
Đảng CSVN ở trong nước thì kiên định lập trường xây dựng nền "kinh tế thị trường định hướng XHCN", kể cả biên soạn giáo trình dạy cho HS-SV/Tuy nhiên khi đi ngoại giao với thế giới tự do thì "đề nghị công nhận VN là nền kinh tế thị trường" (!)/Đảng CSVN nhân danh là một chính đảng cầm quyền tại sao lại ứng xử " tiền hậu bất nhất" như thế?”


Chỉ chừng đó thôi thì không đáng để luận bàn mất công, nhưng ngẫm lại thấy có cái gì đó không ổn lắm từ nhận thức và thái độ của “anh giáo” Phước nên mạnh dạn bàn vài chữ.
Bắt đầu từ Đại hội VI, năm 1986, Đảng CSVN đã xác định là xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa (gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa), đến nay, Đảng CSVN vẫn khẳng định vấn đề này: mới nhất là ngày 03/6/2017, tại Hội nghị lần thứ Năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) đã ban hành Nghị quyết số 11 Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Như vậy, đường lối, quan điểm ấy qua hơn 30 năm, Đảng vẫn kiên định và chỉ phát triển và hoàn thiện hơn để xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vậy sao lại nói là “TIỀN HẬU BẤT NHẤT”?. Có lẽ tôi gọi “anh giáo già” cũng không quá, vì ít nhất cách diễn đạt của “anh giáo già” (cả nhận thức) đã già đến mức lẩm cẩm rồi.
Còn tại sao trong nước thì nói là xây dựng “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, còn khi đi đối ngoại thì "đề nghị công nhận VN là nền kinh tế thị trường"? Đúng là câu hỏi thể hiện cái nhận thức chưa tới của “anh giáo già” với tuổi già nhưng nhận thức thì còn trẻ con. Điều này nên bàn sâu hơn một tí. Kinh tế thị trường - như bản thân “anh giáo già” nếu nhận thức đủ và khách quan thì cũng phải hiểu được và công nhận rằng, đó là sản phẩm của văn minh nhân loại, có thể tồn tại và thích ứng với nhiều hình thái xã hội khác nhau; kinh tế thị trường phát triển với trình độ cao dưới chủ nghĩa tư bản song không đồng nhất với chủ nghĩa tư bản và cũng không đối lập với chủ nghĩa xã hội (CNXH). Bất kỳ thể chế chính trị nào, quốc gia nào cũng có thể áp dụng, phát triển kinh tế thị trường chứ không phải chỉ các nước tư bản “tự cho mình tự do” mới có kinh tế thị trường, cũng không phải nước nào áp dụng kinh tế thị trường thì sẽ phát triển theo con đường chủ nghĩa tư bản. Một quốc gia dựa trên nền tảng thị trường để phát triển kinh tế có thể chưa chắc thành công, song một quốc gia không có nền kinh tế thị trường chắc chắn sẽ không thể phát triển trong dài hạn. Và như trang từ điển điện tử wikipedia có nói đến: “Tùy ở mỗi nước mà các yếu tố thị trường nhiều hay ít. Trong thương mại quốc tế, mức độ thị trường hóa nền kinh tế có thể được sử dụng làm tiêu chí trong xác định điều kiện thương mại giữa hai hai nước”.
Mỗi quốc gia, với thể chế chính trị khác nhau, đường lối phát triển kinh tế khác nhau với mục đích kinh tế khác nhau thì có mô hình kinh tế thị trường khác nhau, từ đó cũng có tên gọi “kinh tế thị trường” khác nhau: mô hình thể chế kinh tế thị trường tự do (tiêu biểu là nền kinh tế thị trường của Mỹ, Anh, Ốx-trây-li-a,…); mô hình thể chế kinh tế thị trường xã hội (tiêu biểu là Đức, Thụy Điển và các nước Bắc Âu khác); thể chế kinh tế của mô hình nhà nước phát triển (tiêu biểu là nền kinh tế Pháp, Nhật Bản); kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (TQ; VN)… nhưng về bản chất chung nhất, phổ quát nhất thì đó vẫn là “kinh tế thị trường”. Đứng ở góc độ quan hệ giao tiếp (đối ngoại) kinh tế, giữa các quốc gia với nhau đương nhiên phải sử dụng tên gọi chung, đó là “kinh tế thị trường”. Như vậy trong nước gọi là “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, đi đối ngoại thì gọi là “kinh tế thị trường” là đúng quá rồi, không có gì mâu thuẫn, cũng chẳng phải là “TIỀN HẬU BẤT NHẤT”, và cách thể hiện đó cũng là cách ứng xử văn minh, bản lĩnh của Đảng CSVN, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế đấy chứ.
Còn tại sao lại gọi là “kinh tế thị tường định hướng xã hội chủ nghĩa”? Có lẽ với trí tuệ “tuyệt đỉnh” của “anh giáo già” thì không cần phải bàn cãi nhiều. Nói thật nhé, bất kỳ quốc gia nào (là Nhật, Mỹ, Pháp, Đức, Thuỵ Điển…) áp dụng phát triển kinh tế thị trường cũng đều phải có bàn tay của nhà nước điều tiết và quản lý vĩ mô đối với nền kinh tế. Chẳng hạn như Nhật Bản, họ khẳng định: Kinh tế thị trường không có nghĩa là nền kinh tế vô Chính phủ, vì vậy cần có sự can thiệp, điều tiết của Nhà nước. Hay ở nước Mỹ được gọi là “tự do” cũng vậy thôi: Thách nước Chính phủ Mỹ thả nổi nền kinh tế vận hành “tự do” đấy? Có doanh nghiệp nào hoạt động kinh tế ở Mỹ mà đứng trên pháp luật Mỹ không? Tại sao mỗi năm, chính phủ Mỹ lại thảo ra hàng ngàn trang những quy định mới, thường là giải thích rõ ràng và chi tiết những gì các doanh nghiệp được phép làm và không được làm? Tại sao Chính phủ Mỹ lại phải bơm cả nghìn tỉ USD để can thiệp vào nền kinh tế mỗi khi nền kinh tế có dấu hiệu bất ổn? Tại sao nước Mỹ phải thành lập hàng trăm uỷ ban dưới sự chỉ huy của tổng thống để can thiệp, quản lý hoạt động kinh tế? “Anh giáo già” chịu khó tự nghiên cứu, tư duy sẽ có câu trả lời cho mình.

Cũng phải khẳng định lại: “Đảng CSVN nhân danh là một chính đảng cầm quyền tại sao lại ứng xử "tiền hậu bất nhất" như thế?” là một câu hỏi ngớ ngẩn, lẩm cẩm, già về tuổi, non nớt về nhận thức. Có lẽ cái "ứng xử tiền hậu bất nhất" ở đây là cách ứng xử tiền hậu bất nhất của “anh giáo già” Đặng Đăng Phước với chính bản thân mình mà thôi.