Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

BÀN VỀ ỨNG XỬ KHI ĐẤU TRANH TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

LÊ MINH - Mạng xã hội thật hay ảo? Thật - ảo đều tuỳ thuộc vào quan điểm, mục đích của mỗi cá nhân khi sử dụng nó mà thôi. Song có một điều không thể bàn cãi là, dù mạng xã hội là mạng ảo, nhưng cá nhân sử dụng mạng xã hội (facebook, zalo, youtobe, blog…) đều thể hiện tư tưởng của cá nhân. Và, tư tưởng là thật, cho dù mục đích lên mạng ở góc độ nào! Mỗi bài viết dài hay ngắn, mỗi cái comment của chúng ta khi đăng lên trên mạng xã hội đều phản ánh tư tưởng, tình cảm của cá nhân, qua đó cũng phản ánh văn hoá ứng xử của chúng ta. Công dân Việt Nam lên mạng xã hội ít, nhiều đều đã hoặc phải thể hiện cái cốt cách, bản sắc riêng của văn hoá Việt Nam. Những ai tham gia mạng xã hội để đấu tranh với cái xấu, xây dựng cái đẹp, nhất là đấu tranh với luận điệu xuyên tạc, chống phá của bọn chống cộn cực đoan, chống phá đất nước, càng phải thể hiện rõ bản lĩnh, cốt cách, văn hoá của dân tộc Việt Nam.
Ứng xử thực chất là đối nhân xử thế ở đời, được coi là giá trị văn hoá kết tinh trong một con người, trong cộng đồng, và của dân tộc là biểu hiện tổng hợp của văn hóa - đạo đức, qua cách ứng xử có thể thẩm định được nhân cách của một con người, giá trị của cộng đồng hay của một dân tộc. Dịch giả, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn từng nói: "Văn hóa giao tiếp ứng xử vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến sự tồn vong của cả một dân tộc".
Dân tộc Việt Nam với nền văn hoá đặc sắc, phong phú, đầy bản lĩnh nhưng cũng chứa đựng những giá trị cốt lõi vô cùng tốt đẹp, trong đó có văn hoá giao tiếp, ứng xử. Cái đẹp trong văn hoá ứng xử được hình thành qua quá trình dựng nước và giữ nước, được cha ông ta lưu giữ, truyền lại từ đời này sang đời khác, trở thành nền tảng, định hướng cuộc sống, hành động của mỗi con người Việt Nam, của cộng đồng và giữ vai trò quan trọng trong quá trình sinh tồn, phát triển của đất. Văn hoá giao tiếp, ứng xử ấy cũng là cốt cách, là bản lĩnh để dân tộc Việt Nam ứng xử hài hoà, đúng mực, vượt qua bao thách nghềnh, biến thiên của thời đại để phát triển đi lên.
Những giá trị tốt đẹp trong giao tiếp, ứng xử của văn hoá Việt Nam biểu hiện sinh động trong cách ăn, ở; trong ứng xử người với người là sống có trước, có sau; là cách ứng xử của cá nhân với đất nước (Làm người đói sạch rách thơm/Công danh là nợ nước non phải đền), là ứng xử kiên quyết với kẻ thù những cũng nhân văn, thậm chí là khoan dung, độ lượng ngay cả khi kẻ thù buộc chúng ta phải cầm gươm, cầm súng tự vệ (trong lời dụ của Lê Lợi gửi Vương Thông:"Cầu đường sửa xong, thuyền xe sắm đủ, hai đường thuỷ lục, tuỳ theo ý muốn, đưa quân ra cõi, yên ổn muôn phần...")… Cái đẹp trong ứng xử của con người Việt Nam đã kết tinh lại, hội tụ lại thành những giá trị tinh tuý nhất, trở thành sức mạnh của đất nước, con người Việt Nam, một đất nước lấy chí nhân thay cường bạo, lấy đại nghĩa thắng hung tàn.
Một con người rất Việt Nam, nhìn vào là thấy văn hoá ứng xử của Việt Nam, đó là Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Văn hoá ứng xử Việt Nam đã kết tinh trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người vận dụng, thể hiện rất sáng tạo, từ việc ứng xử với người, ứng xử với mình, ứng xử với công việc và cả ứng xử với kẻ thù.
Trong xử lý công việc, khi đứng trước mọi vấn đề, mọi tình huống, Bác Hồ của chúng ta luôn làm một việc rất quan trọng, đó là "phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy". Khi tiếp xúc với một sự việc quan trọng, đối mặt với kẻ thù… nguyên tắc ứng xử của Bác là "Dĩ bất biến, ứng vạn biến"; tức là lấy cái kiên định vững vàng để ứng phó với mọi biến cố; ở đây cái bất biến đó là độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, tự do hạnh phúc của nhân dân; mỗi bước đi lên cách mạng phải đối phó với muôn vàn sự biến đổi, đòi hỏi lý trí sáng suốt, tỉnh táo, nhạy bén, chủ động thay đổi cách thức đấu tranh cho phù hợp. Một phóng viên người Pháp đã nhận định về Bác: "Mềm dẻo hay kiên quyết khi cần thiết, nhưng bao giờ cũng tự chủ và vẫn giữ phong thái Việt Nam, Ông biết đương đầu với những biến động chính trị và lịch sử, đem cái sức tỏa sáng phi thường và vô vàn đức tính cao quý của Ông phục vụ sự nghiệp mà Ông là hiện thân". Nhận định đó đã nói lên sự linh hoạt, biến hóa trong mọi tình huống, nhưng cũng rất chủ động; thể hiện cái "bất biến" và cái "vạn biến" trong ứng xử; đồng thời cũng thể hiện cái nét đặc trưng của Bác đó là đạo đức Hồ Chí Minh, là tinh thần dân tộc và cách mạng triệt để.

Bác Hồ bên cạnh nòng pháo trên tàu chiến Pháp
Bác Hồ bên cạnh nòng pháo trên tàu chiến Pháp
Ứng xử với đồng bào lầm đường lạc lối, Bác của chúng ta thể hiện sự khoan dung, chân tình, đại nghĩa vô cùng. Trong thư gửi đồng bào Nam bộ, Bác Viết: "Năm ngón tay cũng có ngón ngắn ngón dài. Nhưng ngắn dài đều họp nhau tại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này người thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ". Bởi vì theo Bác: "Sông sâu, bể rộng bao nhiêu nước cũng vừa, cái đĩa cạn, cái chén nhỏ thì chỉ một giọt nước cũng tràn đầy. Chỉ sợ mình không có lòng bao dung nhân ái, chứ không sợ người ta không theo mình". Khi giao tiếp với chính kẻ thù, kể cả những kẻ đã gây ra đau khổ cho dân tộc Việt Nam, Bác luôn nhắc nhở đồng bào và chiến sĩ ta cần nêu cao lý tưởng chính nghĩa, nhân đạo, hòa bình, đối xử khoan hồng với tù binh và kiều dân Pháp để "cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước". Bác nói từ trái tim ra, Bác đối xử với mọi người bằng tình thương, nên sức thuyết phục của người rất lớn, lớn đến mức kẻ thù cũng không dám xúc phạm, cũng phải ngưỡng mộ. Cho nên thế giới bình luận rất sâu sắc: “Hồ Chí Minh có thể có rất nhiều đối thủ, nhưng tuyệt nhiên không có kẻ thù”, vì kẻ thù cũng được khuất phục bằng tấm lòng nhân ái, bằng sự độ lượng, vị tha, bằng cả sự thông thái, mẫn tiệp của nhà tư tưởng, của vĩ nhân.
Có thể khẳng định rằng, dù ở bất kỳ nơi đâu, trên bất kỳ cương vị nào, từ việc nhỏ nhất đến sự nghiệp cách mạng, mục tiêu cuối cùng mà Người phấn đấu, hy sinh suốt cuộc đời luôn luôn là độc lập dân tộc và ấm no hạnh phúc cho Nhân dân. Và ứng xử là để phục vụ cho mục tiêu bất biến ấy. 
Bịt nòng pháo trên tàu chiến Pháp
Bác Hồ lấy tay bịt nòng pháo trên tàu chiến Pháp
Từ những vấn đề về ứng xử với việc và ứng xử với kẻ thù được thể hiện trong văn hoá Việt Nam và qua phong cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sẽ rất bổ ích cho mỗi người trong chúng ta khi lên mạng xã hội để đấu tranh, phản biện, bảo vệ công lý, bảo vệ Tổ quốc. Tôi không dám tự rút ra bài học định hướng, xin mạn phép được dành lại cho mọi người. Thân ái.