Thứ Ba, 15 tháng 5, 2018

BÁC HỒ KÍNH YÊU MÃI LÀ NIỀM TIN VÀ LẼ SỐNG


KỶ NIỆM 128 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
(19/5/1890 - 19/5/2018)

BÁC HỒ KÍNH YÊU MÃI LÀ NIỀM TIN VÀ LẼ SỐNG

LÊ THANH MINH - Cứ mỗi độ đất nước vào hạ, chúng ta lại bồi hồi xúc động tưởng nhớ về Bác, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, nghĩa tình của những người con đất Việt đối với Bác.
Lần tìm lại những trang viết về cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, ta không khỏi thán phục trước tâm hồn của bậc đại nhân, đại trí, đại dũng. Bởi lòng yêu thương quý trọng con người của Bác không chỉ giới hạn ở một lớp người cụ thể, một dân tộc cụ thể, một đất nước cụ thể, mà tình yêu thương bao la của Người là dành cho đại đa số nhân dân lao động, người nghèo khổ, bị áp bức, bóc lột trên hành tinh chúng ta.
Bác Hồ! cả cuộc đời, từ thuở ấu thơ đến những ngày cuối cùng của đời mình vẫn đơn sơ, mộc mạc, giản dị, thanh cao đến lạ lùng, trong sáng đến vô ngần. Một con người từ thuở nhỏ cũng như bao trẻ em khác, đã từng thèm một cái đồ chơi, ước ao một bộ quần áo mới để mặc tết; mồ côi mẹ từ thuở lên 9, lên 10, phải chịu bao vất vả, gian truân, “đã bế em trèo trẹo bên hông đi xin sữa cho em sau ngày mẹ qua đời”, vất vả là thế, thiệt thòi là thế, nhưng khi lớn lên, Người không đi tìm cái giàu sang để bù đắp cho tuổi nhỏ của mình, mà cái Người đi tìm lại là hạnh phúc của đồng bào mình, đi tìm cái chìa khoá để mở gông cùm cho những người bị áp bức, bóc lột. Tình yêu thương con người của Bác mãi là niềm tin, là lẽ sống của dân tộc và thời đại.
Tình yêu thương bao la của Bác trước hết là dành cho đồng bào mình. Dù là ở cương vị nào, đi đến đâu Bác cũng quan tâm, yêu thương quý trọng nhân dân, kính già, yêu trẻ, thương bộ đội, dân công, thương người nông dân vất vả một nắng, hai sương. Người luôn cảm thông, chia sẽ nỗi đau của mọi người, mọi nhà và dành tình cảm cho mọi lớp người.
Vì tình yêu thương con người mà Bác đã dành gần nửa cuộc đời mình bôn ba nơi xứ người, trải qua bao đắng cay, vất vả để tìm được con đường cứu nước, cứu dân, cứu những con người bị thực dân chà đạp, áp bức. Và khi thấy được con đường ấy, Bác đã khóc, Bác khóc không phải vì những vất vả, gian lao được trả công, đền đáp. Bác khóc vì một lẽ là Bác hạnh phúc, cũng không phải vì hạnh phúc của Bác, mà là hạnh phúc của đồng bào: “Ôi đồng bào bị đoạ đày đau khổ/hạnh phúc là đây, cơm áo đây rồi”.
Vì tấm lòng yêu nước, thương dân ấy mà cả cuộc đời Bác đã tận hiến hết sức lực, trí tuệ của mình cho dân, cho nước; cả cuộc đời Bác chưa một lần nghĩ cho riêng mình, mà nếu có mưu cầu hạnh phúc riêng thì đó cũng chỉ là “độc lập cho dân tộc”, “cơm no, áo ấm và hạnh phúc cho nhân dân”. Bâng khuâng và day dứt, bùi ngùi và xót xa như hoà quyện trong ta khi đọc lại những dòng Di chúc của Người, sâu nặng tình non nước, nghĩa đồng bào: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành".
Có lẽ trên thế giới này, ít ở đâu như Việt Nam, lãnh tụ của Đảng được cả dân tộc tôn vinh là lãnh tụ của dân tộc mình, và cũng chưa có ở đâu, cái tên Hồ Chí Minh được từng lớp người trìu mến gọi là Cha, là Bác, là Anh! Một tấm lụa Người dành cho cụ già khi mừng thọ; Một hộp kẹo chia cho các cháu trong ngày tết Thiếu nhi; Một hộp sữa Người tặng cho các bà mẹ mới sinh... Gần gũi mà thiêng liêng, bình dị mà cao đẹp biết nhường nào! Có phải chăng vì tình cảm mênh mông ấy Bác đã dành trọn cho chúng ta, nên chị thanh niên xung phong nơi tuyến lửa vẫn vững vàng mở đường thông xe trong mưa bom, bão đạn; anh “Bộ đội cụ Hồ” dũng cảm băng rừng, vượt suối "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" "Đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào". Có phải chăng vì tình cảm mênh mông ấy Bác mà toàn thể đồng bào, triệu người như một “Rũ bùn đứng dậy sáng loà” đứng bên Người, đi theo Người để cứu nước, xây dựng tương lai.
Với Hồ Chí Minh, tình yêu thương con người là rất rộng lớn và không có biên giới. Người lo cho dân tộc và nhân dân của mình, và sau đó, Người lo cho tất cả những kiếp người trên hành tinh, quan tâm đến giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới đang bị đoạ đầy, đau khổ, bởi vì: "Họ là thân thích ruột già, công nông thế giới đều là anh em".
Ở Hồ Chí Minh - một con người lời nói luôn đi đôi với hành động, tư tưởng, đạo đức và phương pháp thực hành được kết hợp nhuần nhuyễn với nhau để trở thành nhân cách, phong cách sống, phong cách ứng xử hàng ngày của Người, trở thành hành động thực tiễn, cụ thể mà thiết thực. Trong mỗi cử chỉ, việc làm của Bác dù nhỏ nhất cũng là cả một tình yêu thương bao la vô bờ bến. Lãnh tụ mà tắm cho các cháu nhỏ như người cha, người ông hết mực ân cần; Lãnh tụ mà xắn quần trèo đèo, lội suối với bộ đội, đêm đi đốt lửa, dém chăn, canh giấc ngủ cho bộ đội. Lãnh tụ đi tát nước chống hạn với dân để hiểu về đời sống của nhân dân còn lao khổ, bữa cơm chưa no, manh áo chưa lành. Lãnh tụ mà trong bữa ăn luôn chú ý không để rơi một hạt cơm bởi Bác nghĩ đến công sức của người làm ra hạt gạo... Bác đã từng nói: khi chúng ta bưng bát cơm lên ăn, hãy nghĩ đến những người còn đói khổ”. 
Tình yêu thương con người là tình yêu bắt nguồn từ trái tim. Mà tình yêu bắt nguồn từ trái tim thì bao giờ cũng rất đẹp. Với cuộc đời mỗi người, học Bác và làm theo Bác về tình yêu thương con người thì không bao giờ muộn, không bao giờ là vô nghĩa. Hôm nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực phấn đấu xây dựng xã hội mới, xây dựng con người mới, xây dựng đất nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", để hoàn thành sự nghiệp mà Bác đã chọn và để lại cho chúng ta. Khi cả dân tộc đang phấn đấu cho mục cao cả đó, thì ở đâu đó vẫn còn những hành vi, việc làm thiếu nhân văn, đạo đức, ứng xử giữ người với người đi ngược lại đạo lý, sống thờ ơ, vô cảm với nhân dân, với đồng loại, với chính người thân của mình. Những tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường có cơ hội trỗi dậy và nó luôn là mảnh đất dung dưỡng cho các thói hư tật xấu, cho chủ nghĩa cá nhân, nên đâu còn đức hy sinh, lòng thương người và cũng từ đó đẻ ra hàng loạt những mánh khoé, thủ đoạn. Tình yêu thương con người bị thay thế bằng tình say đắm quyền lực, con người bị mê hoặc bởi tài sản vật chất. Sự suy thoái về đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và người dân đã làm phai nhạt thuần phong mĩ tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và tội lỗi cũng bắt đầu từ đó: con cái bạc đãi cha mẹ già, chồng đánh vợ, học trò đánh thầy cô, trong trước cuộc có xu hướng lối ứng xử nhân văn được thay bằng giải pháp bạo lực. Chỉ vì một ánh mắt nhìn cũng đánh nhau, chỉ vì một cái quẹt xe trên đường cũng gây ra đổ máu; chỉ vì không có tiền để thoả mãn những dục vọng tầm thường - phải đi cướp, thậm chí tược đoạt đi sinh mạng của người khác. Khi những sự việc đó xảy ra, thật đáng buồn, một số người lại thản nhiên quy video clip, livestream rồi post lên internet, các trang mạng xã hội. Và đáng buồn hơn nữa là những hình ảnh đó trên mạng lại nhận được sự hưởng ứng, cổ vũ của ít giới trẻ với những lời bình luận thản nhiên như “cũng bình thường thôi”, “lần sau cứ thế mà phát huy”, “hoành tráng lắm”.v.v..
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, nhất là về tình yêu thương con người có lẽ không cao xa, không trừu tượng, mà chính là hoàn thiện bản thân mình, làm cho tình yêu thương con người phải luôn hiện hữu trong tâm hồn của mỗi chúng ta, bằng những việc làm thiết thực nhất, cụ thể nhất trong giao tiếp, ứng xử chân thành, tôn trọng, yêu thương, chia sẽ với người thân, gia đình, bạn bè và cao hơn là với chính nhân dân.
Bác Hồ sống, làm việc với triết lý nhân sinh: "Nghĩ cho cùng... mọi vấn đề là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức". Triết lý ấy cũng là đạo lý, là nhân cách của  Người. Bác là một con người nhưng Bác cũng là dân tộc, Bác cũng là thời đại, tình yêu thương con người chính là lẽ sống của dân tộc và nhân loại. Học và làm theo Hồ Chí Minh về tình yêu thương con người phải tự giác, chủ động, sáng tạo, biến nó thành nhu cầu tự thân, như như cơm ăn, nước uống hàng ngày để hình thành nên phong cách ứng xử nhân văn, nghĩa tình, làm cho phong cách ấy trở thành biểu tượng phong cách của dân tộc Việt Nam./.