Thứ Tư, 16 tháng 5, 2018

TÂM THẾ CHƠI VƠI CỦA ÂM MƯU XÉT LẠI LỊCH SỬ


LÊ THANH MINH
Ngày 16/5/2017, trên facebook của anh Nguyễn Thiện Phúc đăng bài viết có tự đề: MỘT PHÁT BIỂU THỂ HIỆN TƯ DUY VÔ CÙNG... NGU HỌC HAY ĐÓ LÀ MỘT ÂM MƯU? Mở đầu bài viết, anh Phúc đã trích đăng lời phát biểu của Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, như sau:
“... Thừa nhận Việt Nam cộng hòa, Việt Nam chúng ta hiện nay có thể chính thức thừa hưởng gia tài rất quý báu về văn hóa giáo dục, kinh tế với cơ chế mà gần như cả thế giới hiện nay đang thực hiện. Đặc biệt như tôi đã phát biểu trong Đại hội kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Khoa học lịch sử Việt Nam rằng giới sử học ở miền Nam trước đây không bị ảnh hưởng về chính trị, hay quan điểm. Bất cứ nước nào tôn trọng giới học thuật, khoa học, nghiên cứu, nước ấy sẽ phát triển và ngược lại rất khó phát triển”. - Hết trích.

Đọc cái phát biểu này của ông Nhã mà tôi nghẹn cả lời, chỉ thấy buồn cười đến rơi lệ. Tâm khảm tôi có cảm giác đăng đắng, nuối tiếc khi hiểu rằng, cái phát biểu trên của vị tiến sỹ sử học biểu lộ sự chơi vơi trong tư tưởng, cũng thể hiện sự chơi vơi của âm mưu xét lịch lịch sử của mấy ông bấy lâu nay. Cái phát biểu tưởng chừng rất trách nhiệm nhưng lại ẩn chứa nhiều điều khó nói, có sự nuối tiếc, có sự oán trách…
Tôi xin thưa với ông Nhã rằng:
1. Tôi đã từng nhận định “điểm tựa” của các nhà lật sử rằng: Để xét lại, lật đổ một vấn đề thuộc về lịch sử, giai đoạn lịch sử của đất nước, các nhà lật sử cần có một hoặc nhiều hơn một điểm tựa để dựa vào. Điểm tựa của họ có thể là lợi ích, vì lợi ích mà họ nhìn thấy có thể thu về hoặc đã được hưởng từ kẻ chiến bại, và họ phải dành “tình yêu” đối với lịch sử của kẻ chiến bại, buộc họ phải lật đổ lịch sử của chúng ta để nâng tầm cho lịch sử của kẻ chiến bại. Tôi BUỒN CƯỜI đến rơi lệ vì cái nhận định này của tôi đã đúng thì phải. Ông và một số nhà lịch sử như ông dường như đang dành tình yêu quá lớn cho nguỵ quân, nguỵ quyền VHCH (lời phát biểu của ông đã chứng minh điều đó).
2. Tôi BUỒN CƯỜI đến rơi lệ vì thấy trong lời phát biểu này, ông khen nền giáo dục và nền kinh tế miền Nam dưới chế độ nguỵ quân, nguỵ quyền (giọng này giống những kẻ đang chống phá đất nước khi gào thét, tô vẽ cái đẹp của nền giáo dục và kinh tế của VNCH). Đúng ra ông phải biết và thật ra ông biết, nền giáo dục dưới chế độ VNCH ấy chỉ giành cho một số ít người dân đô thị miền Nam, bọn quý tộc nguỵ quân, nguỵ quyền được hưởng theo “lợi nhuận” cho việc bán nước, tay sai, hại dân mà Mỹ trả công đấy. Chứ ở nông thôn, người nghèo khổ được hưởng chăng? Ông hãy đọc lời nhận định của ông Bùi Tường Huân, Tổng trưởng Quốc gia Giáo dục của nền giáo dục nguỵ quyền VNCH nhé: “Tình trạng giáo dục quả thật là bi đát! Không có chính sách rõ rệt, hệ thống lạc hậu, chương trình ôm đồm vá víu, cơ sở thiếu thốn…/ Thêm vào đó, thái độ tắc trách, buông xuôi của một số giáo chức, lòng nghi ngờ thiếu tin tưởng cùng tinh thần khoa cử của một số sinh viên, học sinh/ Đấy chẳng qua chỉ là hậu quả tất nhiên của một chế độ bất công”.
Còn nền kinh tế miền Nam dưới thời VNCH ư? Đó là nền kinh tế sống nhờ vào đô la của Mỹ và viện trợ từ các đồng minh Mỹ đổ vào xâm lược miền Nam, nuôi béo bọn bán nước đấy thưa ông.
Lời phát biểu của ông đang xúc phạm đến thành quả của nền giáo dục và nền kinh tế của nước nhà hiện nay. Thưa ông Nhã, ông nên nhớ: Một nền giáo dục đi từ con số 0 tròn trĩnh, khi tiếng i-tờ vang lên dưới bom đạn của Mỹ, giở trang sách dưới ánh đèn dầu trong hầm trú ẩn, thầy và học trò ngồi trong lớp học “bình dân học vụ” mà đầu vẫn phải đội mũ rơm chống mảnh đạn… một nền giáo dục mà lớp lớp thầy - cô giáo, học sinh đã phải gác bút, cầm súng đánh đuổi quân xâm lược và tay sai nguỵ quân, nguỵ quyền để giữ nước, giữ giống nòi, để rồi sau chiến tranh giải phóng, nền giáo dục ấy lại vừa hành cái việc dạy, việc học, vừa tham gia kiến thiết đất nước, khắc phục hậu quả chiến tranh, và đến hôm nay, dù còn nhiều thiếu sót, lỗ hổng, bất cập nhưng nền giáo dục ấy cũng đã có rất nhiều thành tựu, được thế giới ghi nhận.
3. Ông nói rằng “giới sử học ở miền Nam trước đây không bị ảnh hưởng về chính trị, hay quan điểm”. Ông nguỵ biện. Nếu họ không bị ảnh hưởng về chính trị hay quan điểm thế tại sao họ không viết sử lột tả chính xác tội ác của Mỹ, nguỵ cho nhân dân và đời sau đọc đi. Thậy ra ý này của ông là muốn tự do học thuật trong viết sử, không bị rảng buộc, ảnh hưởng từ chủ trương, đường lối của Đảng, sự quản lý của Nhà nước chứ gì? Để các ông thích viết gì thì viết, thích lật sử thì lật hả?
4. Còn nữa, lời phát biểu của ông: “Bất cứ nước nào tôn trọng giới học thuật, khoa học, nghiên cứu, nước ấy sẽ phát triển và ngược lại rất khó phát triển” là có ý gì đây?
 Tôi đã từng rất yêu quý ông, khâm phục tấm lòng yêu nước, vì biển đảo của Tổ quốc, nhưng hơn một lần tôi bức xúc vì cái tư tưởng chơi vơi của ông, tôi nói thẳng để các ông nghĩ lại, nói cho đúng, làm cho đúng, làm gương cho thế hệ trẻ chúng tôi.
Làm người, làm nghề, trong đời ai chẳng một lần chơi vơi, nhưng nếu không biết định tâm, vượt khó để vững vàng sống và làm việc thì sự chơi vơi sẽ là khởi đầu cho chặng đường trượt ngã. Có lẽ nào?!!!!