Thứ Hai, 10 tháng 7, 2017

Quân đội tham gia phát triển kinh tế - Góc nhìn của công dân trẻ

Lê Minh - Thời gian vừa qua, trên các diễn đàn mạng xã hội xuất hiện một số bài viết, bình luận liên quan đến vấn đề “Quân đội phát triển kinh tế” với nhiều ý kiến trái chiều. Có nhiều ý kiến bảo vệ, đồng tình, ủng hộ việc các doanh nghiệp quân đội, đơn vị quân đội tham gia phát triển kinh tế; cũng có nhiều ý kiến không đồng tình, thậm chí có những ý kiến mang tính chất xuyên tạc, hạ thấp vai trò của Quân đội với nhiều mục đích khác nhau.
Là công dân trẻ, nhưng với những hiểu biết ít ỏi của mình về lịch sử của đất nước, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam và quá trình phát triển kinh tế xã hội hiện tại của đất nước, tôi có suy nghĩ rằng:
Trước hết, Quân đội nhân dân Việt Nam là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Khi mới thành lập, quân đội của một đất nước nông nghiệp lạc hậu, những chiến sĩ đầu tiên gia nhập quân đội là con em của người nông dân, họ biết lao động, sản xuất. Khi đất nước đang chìm trong lửa đạn chiến tranh, nghèo nàn, lạc hậu, chính những người chiến sĩ đã biết phát huy năng lực “biết lao động, sản xuất” ấy để xây dựng Quân đội, để tự bảo đảm lương thực, tự bảo đảm vũ khí, quân giới, thuốc men cho chiến sĩ ngoài mặt trận và góp phần phục vụ đời sống của nhân dân, quan trọng hơn là đã góp phần giảm bớt gánh nặng, công sức của nhân dân đóng góp vào xây dựng quân đội. Sự tự giác, tự lực, từ cường ấy của người chiến sĩ quân đội đã trở thành chức năng, nhiệm vụ chung của toàn quân; trở thành truyền thống tốt đẹp, quý báu của “Bộ đội Cụ Hồ”. Chính từ những ngày đầu “tay súng, tay cuốc” đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội và góp phần vào sự ổn định, phát triển đời sống của một bộ phận nhân dân.
Thứ hai, trong những thời khắc đất nước khó khăn nhất, cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn cam go nhất, không chỉ người chiến sĩ ngoài mặt trận phải chịu đói, chịu rét, mà cũng là thời điểm đời sống của nhân dân đói kém nhất, thì Quân đội là lực lượng tiên phong, đi đầu trong tăng gia, sản xuất, vừa tự lực, tự cường lo cho mình, vừa giúp nhân dân phát triển kinh tế xã hội. Hàng vạn cán bộ, chiến sỹ quân đội - những con người chỉ biết cầm súng và luôn muốn được cầm súng đối đầu tiêu diệt kẻ thù, nhưng họ đã vì lợi ích của đất nước, của nhân dân, nén lại bầu nhiệt huyết ấy để tham gia mặt trận phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và nhân dân giao phó, đó cũng là sự dũng cảm phải luôn được ghi nhận. Hàng chục nông trường, nhà máy, xí nghiệp, trung đoàn làm kinh tế của quân đội ra đời trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại theo chủ trương của Đảng, Nhà nước đã góp phần cùng với hậu phương sản xuất ra khối lượng vũ khí, lương thực khổng lồ chi viện cho tiền tuyến, ổn định hậu phương, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của dân tộc.
Thứ ba, sau chiến tranh giải phóng, đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, kinh tế đất nước kém phát triển, đời sống của nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, vất vả, chính những người lính của Quân đội đã không sợ vất vả, xông pha đến những vùng đất chưa từng có dấu chân người để khai hoang, cùng với người dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống với những việc làm như trồng rừng, trồng cao su, cà phê trên các vùng đất Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Đông Nam bộ; những đơn vị của quân đội đi đầu trong khắc phục, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng sau chiến tranh, thậm chí xây dựng những con đường mới, công trình mới trải dọc đất nước… Có thể khẳng định, trên mặt trận kinh tế, ở nơi nào, lĩnh vực nào mà doanh nghiệp không thể làm, không dám làm thì người lính - doanh nghiệp quân đội tiên phong, dám nhận trách nhiệm lên vai mình, dám làm và làm thành công.
Không dám nói cả nền kinh tế đất nước, nhưng nói đến bộ mặt kinh tế, xã hội ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có sự phát triển vượt bậc thì không thể không nhắc đến vai trò, công sức không nhỏ, thậm chí là nòng cốt, quyết định của những người lính “Bộ đội Cụ Hồ”. Lịch sử ấy, truyền thống tốt đẹp ấy không được phép quên và chắc chắn rằng nhân dân ta sẽ không bao giờ quên, thế hệ trẻ chúng tôi càng không được quên. Bây giờ đất nước phát triển, đời sống đa số người dân no đủ, một bộ phận lớn có cái ăn ngon, cái mặc đẹp, có xe ô tô, xe máy, máy tính, Iphone, Ipad…nhưng xin đừng quên những tháng ngày đất nước gian khó, quên đi công sức, tình cảm của người chiến sỹ đã xông pha trên mặt trận kinh tế. 70 năm qua, Quân đội vẫn tham gia phát triển kinh tế nhưng đã bao giờ họ xa rời, tự làm lu mờ bản chất cách mạng, giảm đi lòng trung thành đối với Đảng, với nhân dân, với đất nước này đâu?
Tôi thiết nghĩ, mỗi người dân ai cũng muốn đến lúc đất nước ta giàu mạnh, đủ điều kiện để chăm lo, nuôi dưỡng quân đội tốt hơn, để người chiến sĩ không phải tham gia mặt trận phát triển kinh tế, mà tập trung sức lực, trí tuệ để huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Nhưng bây giờ chưa thể có được điều đó, kinh tế - xã hội hiện tại của đất nước chưa cho phép thực hiện điều đó, tương lai gần cũng chưa thể có được. Những lĩnh vực, khu vực kinh tế nhạy cảm, nhất là kinh tế phục vụ mục đích quốc phòng, giữ nước thì chỉ quân đội mới làm được. Chúng ta đồng thuận với ý kiến của một vị lãnh đạo ở Bộ Quốc phòng khi nói về việc đơn vị quân đội làm kinh tế đơn thuần: “Quân đội không đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Cái gì đi ngược lại lợi ích của nhân dân thì nhất định quân đội không làm”.
Đất nước này đã, đang và sẽ luôn cần những người chiến sỹ quân đội xông pha trên mặt trận kinh tế đặc thù, những nơi khó khăn, gian khổ, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vẫn cần họ. Chúc các anh “Bộ đội cụ Hồ” vững tâm, vững chí, vững bước, vừa huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, vừa làm tròn nhiệm vụ lao động, sản xuất để luôn hoàn thành sứ mệnh chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và tham gia xây dựng đất nước giàu đẹp.