Thứ Hai, 10 tháng 9, 2018

NGHỊ QUYẾT T.Ư VỀ GIẢI PHÓNG MIỀN NAM RA ĐỜI NHƯ THẾ NÀO?

        TP - Năm 1957, cách đây đúng nửa thế kỷ, hai ông Hoàng Tùng và Trần Quang Huy được Bác Hồ và Bộ Chính trị trao trọng trách chấp bút bản Dự thảo Nghị quyết Trung ương 15 (Khóa hai) dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nhà cách mạng lão thành Hoàng Tùng (bên trái)
đang trả lời phỏng vấn của nhà nghiên cứu Nhật Hoa Khanh (tháng 1/2007)
Sinh năm 1919 tại Nam Định, nhà giáo Hoàng Tùng hoạt động cách mạng từ 1937 và bị tù tại Sơn La, Nam Định và Hỏa Lò (Hà Nội). Ông đã từng giữ các trọng trách: Bí thư Trung ương Đảng,Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Năm 1957, cách đây đúng nửa thế kỷ, hai ông Hoàng Tùng và Trần Quang Huy được Bác Hồ và Bộ Chính trị trao trọng trách chấp bút bản Dự thảo Nghị quyết Trung ương 15 (Khóa hai) dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Chiều 18 /1/ 2007, tại nhà riêng ông Hoàng Tùng ở Hà Nội, nhà nghiên cứu Nhật Hoa Khanh được ông Hoàng Tùng kể lại sự kiện đặc biệt quan trọng nói trên.
Ngay sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (tháng 5 /1954) chấn động toàn cầu, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở về căn cứ địa Việt Bắc báo cáo chiến công với Bác Hồ và Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Bác Hồ đã nói một câu có tầm nhìn xa và tầm chiến lược: NHÂN DÂN TA CÒN PHẢI TIẾP TỤC CHỐNG MỸ.
Cũng dịp đó, trong bối cảnh quốc tế vô cùng phức tạp và hết sức bất lợi đối với ta, mặc dầu phải chịu  sức ép rất  nặng nề từ nhiều phía, Bác Hồ và Tổng Bí thư Trường Chinh cùng tất cả các thành viên khác trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng (tức Bộ Chính trị) đã hết sức sáng suốt, kịp thời và chủ động chấp nhận việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ với điều kiện vô cùng khắc nghiệt: tạm thời chia cắt nước ta làm đôi, ranh giới là vĩ tuyến 17.
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ (tháng 7/1954) được ký kết, trong các hội nghị Trung ương và các cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhấn mạnh Ý CHÍ VÀ THIỆN CHÍ hòa BÌNH CỦA TOÀN THỂ DÂN TỘC VIỆT NAM.
Từ năm 1950, đế quốc Mỹ bắt đầu can thiệp và can thiệp ngày càng sâu vào chiến tranh Việt Nam. Ngay sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Mỹ càng can thiệp vào Việt Nam mạnh hơn nữa và bắt đầu từng bước tiến hành một cuộc chiến tranh đơn phương ở miền Nam nước ta. Từ 1957 đến 1958, 1959, Mỹ – Diệm công khai dùng máy chém và súng đạn liên tiếp giết hại dã man nhiều người kháng chiến còn ở lại miền Nam không tập kết ra Bắc. Vì vậy, một bộ phận nhân dân miền Nam buộc phải nổi dậy chống Mỹ – Diệm ngay từ những tháng năm đau thương ấy.
Trong vấn đề này, có công lao to lớn của các tổ chức Đảng ở miền Nam và của anh Lê Duẩn, người lãnh đạo cao nhất ở Nam Bộ thời kỳ đó.
Với Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơ-ne-vơ, cuộc kháng chiến chống Pháp giành được thắng lợi vĩ đại, Hà Nội và nửa phía Bắc của Tổ quốc được hoàn toàn giải phóng.
Mặc dầu khi ấy khó khăn chồng chất khó khăn, Thủ đô Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung vẫn nhanh chóng trở thành căn cứ địa toàn diện và hùng mạnh của toàn bộ cuộc chống Mỹ cứu nước. Hà Nội và miền Bắc giành hết sức người, sức của, trí tuệ và vũ khí, thuốc men, lương thực… vào miền Nam cùng nhân dân miền Nam đấu tranh giải phóng miền Nam – thống nhất nước nhà.
Vẫn trong một bối cảnh quốc tế vô cùng phức tạp và hết sức bất lợi cho ta như tôi đã nói ở trên, từ rừng núi Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội sau 9 năm kháng chiến cực kỳ gian khổ và anh dũng, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ phải giải quyết vô số vấn đề trọng yếu. Khó khăn càng tăng khi cải cách ruộng đất phạm sai lầm nghiêm trọng, Tổng Bí thư Trường Chinh phải từ chức.
Giữa tình hình trong nước rối bời như vậy, Bác Hồ tạm thời giữ chức Tổng Bí thư. Hai đồng chí Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Duy Trinh được Bộ Chính trị trao trách nhiệm giúp Tổng Bí thư Hồ Chí Minh giải quyết công tác hàng ngày.
Tháng 5/1955, ngay sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, đường giải phóng mới đi một nửa, toàn dân Việt Nam ai nấy đều mong muốn giải phóng miền Nam – thống nhất đất nước. Nhưng giải phóng miền Nam – thống nhất đất nước theo đường lối nào và bằng phương pháp nào, đó là cả một vấn đề trọng đại và vô cùng phức tạp mà thực tế lịch sử đặt ra cho dân tộc Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, phải có trí tuệ tập thể, phải bàn luận thật kỹ lưỡng và thật thận trọng.
Vì vậy, khoảng đầu năm 1957, Bộ Chính trị, đứng đầu là Bác Hồ, quyết định chuẩn bị hai việc lớn:
Một: Triệu tập Hội nghị Trung ương 15 (Khóa hai) mở rộng để bàn luận và quyết định đường lối và phương pháp cách mạng giải phóng miền Nam.
Hai: Triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ ba của Đảng để bàn luận và quyết định đường lối xây dựng và phát triển miền Bắc làm cơ sở cho cuộc cách mạng giải phóng miền Nam.
Việc chỉ đạo chấp bút bản dự thảo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 (Khóa hai)  được Bộ Chính trị giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Hai người giúp anh Võ Nguyên Giáp chấp bút bản dự thảo đó, cũng do Bộ Chính trị chỉ định, gồm Trần Quang Huy (lúc ấy là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó ban thường trực Ban Tuyên huấn Trung ương) và tôi (tức Hoàng Tùng, lúc ấy là Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó ban Ban Tuyên huấn Trung ương).
Mùa hè 1957, từ Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tôi cùng Trần Quang Huy xuống Đồ Sơn (Hải Phòng), làm việc trong khu nghỉ mát Pa-gốt-đông nổi tiếng. Tại đây, chúng tôi làm việc mấy đợt, mỗi đợt gồm nhiều buổi.
Mở đầu buổi làm việc đầu tiên, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đặc biệt nhắc nhở Trần Quang Huy và tôi phải thấm nhuần ý tưởng NHÂN DÂN TA CÒN PHẢI TIẾP TỤC CHỐNG MỸ và ý tưởng TRANH THỦ MỌI THỜI CƠ ĐỂ Hòa BÌNH THỐNG NHẤT NƯỚC NHÀ của Bác Hồ. Đó chính là ánh sáng chỉ đạo toàn bộ quá trình chấp bút bản dự thảo. Anh Võ Nguyên Giáp nhắc chúng tôi như vậy.
Do phong cách làm việc dân chủ vốn có, anh Võ Nguyên Giáp thường chủ động mời hai chúng tôi phát biểu trước, rồi sau đó, anh mới trình bày ý kiến của mình. Chính vì vậy, tại Đồ Sơn, trong quá trình soạn thảo, khi hai chúng tôi được anh hỏi ý kiến thì tôi đã nêu lên hai vấn đề cơ bản của Dự thảo Nghị quyết 15 (Khóa hai).
Thứ nhất: Sử dụng phương pháp đấu tranh vũ trang, đấu tranh bằng bạo lực cách mạng. Chúng ta buộc phải sử dụng phương pháp này bởi vì Mỹ _ Diệm ngày càng tăng cường lùng sục và giết hại những người kháng chiến cũ ở miền Nam và luôn miệng hô hào “Bắc tiến”.
Về vấn đề thứ nhất, Trần Quang Huy cũng suy nghĩ như tôi.
Thứ hai: Tập hợp sức mạnh toàn thể dân tộc để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Về vấn đề thứ hai, tôi trình bày với Đại tướng như sau:  Ở Việt Nam, cần phải tập trung thực hiện nhiệm vụ thống nhất toàn thể dân tộc, đoàn kết toàn thể dân tộc hơn là thực hiện một cuộc đấu tranh giai cấp. Muốn giải phóng miền Nam, ngoài việc thực hiện phương pháp đấu tranh vũ trang, phải thống nhất toàn thể dân tộc, tập hợp toàn thể dân tộc, đoàn kết toàn thể dân tộc theo đúng tư tưởng Bác Hồ.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp hoàn toàn nhất trí với hai vấn đề cơ bản nêu ở trên.
Tuy nhiên, cũng cần nói rõ: trước khi được biết ý kiến nói trên của tôi, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong những cuộc họp Trung ương hoặc Bộ Chính trị hoặc trong những cuộc trò chuyện với nhiều Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Trung ương Đảng vào những năm 1955 _ 1956 và đầu năm 1957 cũng đã từng khẳng định ý nguyện hoà bình của toàn dân, toàn Đảng, đồng thời căn cứ vào thực tiễn Việt Nam và thực tiễn quốc tế,  kiên trì và chủ động đưa ra giải pháp đấu tranh vũ trang và giải pháp đoàn kết toàn thể dân tộc, đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Dưới sự chỉ đạo của anh Võ Nguyên Giáp, tôi và Trần Quang Huy chấp bút thuận lợi bản Dự thảo Nghị quyết 15 (Khóa hai) vì cả ba chúng tôi, nhất là đại tướng  Võ Nguyên Giáp, đều hiểu thấu ý tưởng tranh thủ mọi thời cơ để hoà bình thống nhất đất nước, ý tưởng đấu tranh vũ trang và ý tưởng đoàn kết toàn dân, đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao của Bác Hồ.
Tuy nhiên, việc chấp bút không phải không có khó khăn.  Trong quá trình nhiều lần chấp bút, khó khăn lớn nhất chính là ở chỗ: phải viết như thế nào, phải phân tích như thế nào, phải lý giải như thế nào, phải chứng minh như thế nào để khẳng định rằng:
1. Mặc dầu sức ép từ nhiều phía đối với Việt Nam hết sức nặng nề, tình hình quốc tế vô cùng phức tạp, nội bộ phe xã hội chủ nghĩa bất hòa ngày càng nghiêm trọng, Đảng ta vẫn phải tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập và tự chủ, giữ vững vai trò lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước;
2. Mặc dầu toàn dân và toàn Đảng luôn luôn tranh thủ các cơ hội hòa bình, nhưng trong tình hình thực tiễn nước sôi lửa bỏng của miền Nam lúc đó, để giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, Đảng ta buộc lòng phải sử dụng phương pháp đấu tranh vũ trang, đấu tranh quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao, đoàn kết toàn dân trong một cuộc cách mạng lâu dài và gian khổ.
Chính vì vậy, tôi và Trần Quang Huy phải viết đi viết lại bản dự thảo nhiều lần. Lần nào, bản dự thảo, sau khi sửa chữa xong, cũng được sao thành nhiều bản gửi lên Bác Hồ và từng Ủy viên Bộ Chính trị để xin ý kiến. Lần nào cũng vậy, Bác Hồ và các thành viên khác của Bộ Chính trị cũng đều góp ý kiến chu đáo. Bác Hồ luôn luôn góp cho bản dự thảo ý tưởng hòa bình thống nhất nước nhà và ý tưởng đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, chỉ vũ trang đấu tranh khi tình thế bắt buộc.
Tiếp nhận nghiêm túc ý kiến của Bác Hồ và của các Ủy viên Bộ Chính trị, càng về sau, bản dự thảo càng trở nên đầy đủ hơn;  càng biểu hiện được rõ ràng hơn hai vấn đề cơ bản đấu tranh vũ trang và đoàn kết toàn dân, đấu tranh chính trị,  đấu tranh ngoại giao như trên đã nói.
Khoảng cuối 1958, bản dự thảo cuối cùng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ đạo tôi và Trần Quang Huy chấp bút được hoàn thành.
Như những lần trước, lần này, Văn phòng Trung ương Đảng tiếp tục sao thành nhiều bản trình lên xin ý kiến Bác Hồ và từng Ủy viên Bộ Chính trị. Sau đó, được tiếp tục sao gửi đến từng Ủy viên Trung ương.
Trong Đề cương, anh Lê Duẩn sớm nêu lên ý tưởng sâu sắc sử dụng bạo lực cách mạng cùng với ý tưởng tập hợp toàn thể các tầng lớp nhân dân, ý tưởng tổng khởi nghĩa giành chính quyền để giải phóng miền Nam.
Lúc này, từ miền Nam, anh Lê Duẩn đã ra tới Hà Nội. Sau một thời gian nghỉ ngơi, tìm hiểu tình hình thực tiễn miền Bắc và quốc tế, đồng chí Lê Duẩn được Bác Hồ cùng Bộ Chính trị trao cho cương vị tương đương Quyền Tổng Bí thư.
Khi bản dự thảo cuối cùng nói trên được chuyển lên xin ý kiến Bác Hồ, Bác xem và cơ bản tán thành. Sau đó, Người chỉ thị: chuyển chú Ba xem. (Ba là tên gọi thân mật của anh Lê Duẩn).
Chấp hành chỉ thị của Bác Hồ, đồng chí Lê Duẩn xem và cơ bản nhất trí. Sau đó, anh Lê Duẩn gọi tôi và Trần Quang Huy đến giúp anh viết một số ý kiến bổ sung vào bản dự thảo cuối cùng Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 (Khóa hai) nói trên. Trong quá trình bổ sung một số ý kiến vào bản dự thảo cuối cùng này, đồng chí Lê Duẩn chỉ đạo tôi và Trần Quang Huy làm việc nhiều lần ở Hà Nội, Đồ Sơn và lần cuối cùng ở Bãi Cháy (Quảng Ninh).
Nhân đây, tôi cũng muốn nhấn mạnh: trong quá trình chấp bút dự thảo Nghị quyết 15 (Khóa Hai), cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hai chúng tôi đều hoàn toàn chưa được biết là tại cơ quan Xứ ủy Nam Bộ (số 290 Huỳnh Khương Ninh, Sài Gòn), từ khoảng cuối mùa khô 1955 đến tháng 8/1956, đồng chí Lê Duẩn đã chủ động viết và cơ bản hoàn thành bản Đề cương cách mạng miền Nam.
Chúng tôi cũng không được biết tháng 12/1956 và mấy tháng đầu năm 1957, tại Nông Pênh, bản Đề cương cách mạng miền Nam được thảo luận kỹ (nhưng chưa được chính thức thông qua) trong Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ mở rộng. Do đó, cả anh Võ Nguyên Giáp và hai chúng tôi đều chưa được đọc bản Đề cương ấy.
Trong Đề cương, anh Lê Duẩn sớm nêu lên ý tưởng sâu sắc sử dụng bạo lực cách mạng cùng với ý tưởng tập hợp toàn thể các tầng lớp nhân dân, ý tưởng tổng khởi nghĩa giành chính quyền để giải phóng miền Nam.
Như vậy, giữa Đề cương cách mạng miền Nam của đồng chí Lê Duẩn và dự thảo Nghị quyết 15 (Khóa hai) do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo tôi và Trần Quang Huy chấp bút có sự trùng hợp cơ bản về ý tưởng dùng bạo lực cách mạng và ý tưởng tập hợp toàn thể dân tộc để giải phóng miền Nam. Sự khác nhau giữa hai bản thuộc về lời văn và  một vài vấn đề cụ thể.
Như trên tôi đã nói, từ miền Nam ra Hà Nội, sau một thời gian tìm hiểu tình hình hết sức phức tạp của miền Bắc và tình hình quốc tế cũng hết sức phức tạp thời đó, đồng chí Lê Duẩn được Bác Hồ và Bộ Chính trị trao cho cương vị tương đương Quyền Tổng bí thư.
Từ đó, cho đến khoảng đầu năm 1959 trước khi diễn ra Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (Khóa hai), tinh thần cơ bản của Đề cương cách mạng miền Nam của đồng chí Lê Duẩn đã lần lượt được chuyển, dưới nhiều hình thức, đến các Ủy viên Bộ Chính trị cùng nhiều Ủy viên Trung ương và phát huy tác dụng tích cực của nó. 
Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (Khóa hai) mở rộng năm 1959, họp hai đợt tại Hà Nội vào mùa xuân và mùa hè, có tầm quan trọng đặc biệt đối với vận mệnh của toàn thể dân tộc. Với tinh thần trách nhiệm rất cao trước lịch sử, hội nghị tập trung thảo luận và tranh luận công khai, thẳng thắn, dân chủ, không hạn chế thời gian và cuối cùng, ra Nghị quyết về vấn đề trọng đại giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Là một trong những hội nghị lớn nhất của Trung ương từ ngày thành lập Đảng tới nay (2007), Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (Khóa hai) mở rộng nhằm góp phần chuẩn bị trực tiếp cho Đại hội toàn quốc lần thứ ba (sẽ họp vào tháng 9 /1960).
Bác Hồ khai mạc và tổng kết hội nghị. Người cũng trực tiếp chủ toạ hội nghị suốt hai đợt họp.
Tại hội nghị, Người đề nghị các đại biểu thẳng thắn nêu rõ ý kiến của mình và thực hiện tranh luận dân chủ để đi tới sự nhất trí cuối cùng. Người khẳng định: Hòa bình thống nhất nước nhà là nguyện vọng tha thiết của toàn dân, vì vậy, phải tranh thủ mọi thời cơ để thống nhất đất nước một cách hoà bình. Vũ trang đấu tranh, theo lời Người, là điều mà toàn dân ta buộc phải thực hiện một khi không có con đường nào khác.
Người nhắc nhở hội nghị cần nhận rõ quan điểm xây dựng và phát triển miền Bắc làm cơ sở cho cuộc cách mạng giải phóng miền Nam – thống nhất đất nước. Người cũng yêu cầu hội nghị phải hết sức chú trọng các quan điểm đoàn kết, thực tiễn, độc lập, tự chủ, sáng tạo, kiên định, dân chủ và dân tộc.
Trong hội nghị, Người căn dặn Ban chấp hành Trung ương phải có một đối sách đặc biệt tế nhị, khéo léo và mềm mỏng trước mọi sức ép rất nặng nề từ nhiều phía trên thế giới đối với Đảng ta lúc đó.
Là đại biểu chính thức, tôi dự hội nghị suốt từ đầu đến cuối, không sót buổi nào.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (Khóa hai) mở rộng, trước một phiên họp toàn thể, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc bản dự thảo cuối cùng (đã được đồng chí Lê Duẩn bổ sung một số ý kiến như trên đã nói). Bản dự thảo này hiện vẫn được lưu giữ tại cơ quan lưu trữ Trung ương.
Dưới sự chủ tọa từ lúc khai mạc đến lúc bế mạc của Bác Hồ, bản dự thảo cuối cùng nói trên đã được hội nghị thảo luận dân chủ và tranh luận kỹ lưỡng, đồng thời bổ sung cẩn thận. Dưới sự chủ toạ của Bác Hồ, hội nghị còn lắng nghe các báo cáo thực tế của các đại biểu Nam Bộ, Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Từ miền Nam ra Hà Nội, hai anh Phan Văn Đáng và Phạm Văn Xô thay mặt Xứ Ủy Nam Bộ báo cáo trước toàn thể hội nghị về tình hình Nam Bộ từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ đến cuối 1958. Bác Hồ khóc mấy lần khi hai anh kể lại sự đàn áp khốc liệt của Mỹ – Diệm đối với đồng bào và cán bộ, chiến sĩ miền Nam.
Sau khi nghe hai anh Lê Duẩn và Trường Chinh lần lượt trình bày ý kiến và quan điểm của mỗi người, Bác Hồ trực tiếp chỉ định Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu.
Trong bài phát biểu của mình, đồng chí Võ Nguyên Giáp khẳng định ý chí và thiện chí hoà bình của toàn thể dân tộc Việt Nam, của Bác Hồ và toàn Đảng. Sau đó, căn cứ vào tình hình thực tiễn miền Nam, miền Bắc và quốc tế, anh phân tích nhiều vấn đề trong đó có hai vấn đề lớn. Một: Đường lối vũ trang. Theo đồngchí Võ Nguyên Giáp, đường lối vũ trang là cơ bản nhất. Hai: miền Bắc. Theo đồngchí Võ Nguyên Giáp, Miền Bắc phải xây dựng và phát triển thật sự vững mạnh làm cơ sở cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam – hoà bình thống nhất nước nhà.
Trong Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (Khóa hai) mở rộng, về tầm quan trọng của các bài phát biểu thì sau các diễn văn khai mạc và bế mạc có vai trò chỉ đạo mọi mặt của Bác Hồ, ba bài phát biểu của các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp là ba bài quan trọng nhất.
Không ít lần trong quá trình hội nghị thảo luận và tranh luận, Bác Hồ đã nói: vấn đề càng ngày càng sáng.
Cuối đợt hai của hội nghị, Bác Hồ sáng suốt dự đoán: Giai đoạn đấu tranh hoà bình thống nhất đất nước sớm muộn cũng sẽ căn bản chấm dứt, giai đoạn toàn dân buộc phải cầm súng và toàn quân buộc phải trực tiếp tham gia cuộc cách mạng giải phóng miền Nam chắc chắn sẽ bắt đầu.
Người yêu cầu toàn Đảng phải tiếp tục tay siết chặt tay, đoàn kết thành một khối thống nhất để chuẩn bị lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến lần thứ hai thể nào cũng bùng nổ: cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Dưới sự điều hành điêu luyện, dân chủ và mẫu mực của người thầy Hồ Chí Minh, cuối đợt hai của Hội nghị Trung ương 15 (Khóa hai) mở rộng, bản dự thảo cuối cùng do đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc trước hội trường đã được toàn thể hội nghị bổ sung hết sức kỹ lưỡng và thận trọng, thể hiện được ý nguyện của toàn dân, trở thành thành quả lớn của trí tuệ tập thể.
Nói một cách khác, rõ hơn, dưới sự điều khiển điêu luyện, dân chủ và mẫu mực của người thầy Hồ Chí Minh, kết thúc hội nghị, một thành quả lớn của trí tuệ tập thể mang tính đoàn kết, tính hoà bình, tính thực tiễn, tính độc lập, tính tự chủ, tính chiến đấu, tính khoa học,  tính sáng tạo, tính kiên định, tính dân chủ và tính dân tộc đã ra đời.
Đó chính là Nghị quyết Trung ương 15 (Khoá hai) mở rộng về ĐƯỜNG LỐI CHIẾN LƯỢC và PHƯƠNG PHÁP CÁCH MẠNG giải phóng miền Nam – thống nhất đất nước.
Nghị quyết Trung ương 15 (Khóa hai) mở rộng lập tức thật sự trở thành ngọn đèn pha soi đường cho cách mạng giải phóng miền Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng suốt từ đó (mùa hè 1959) đến 30/4/1975, ngày toàn thắng.
Sau khi Bác Hồ qua đời, Bộ Thống soái Tối cao đứng đầu là đồng chí Lê Duẩn đã lãnh đạo Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đứng đầu là đồng chí Võ Nguyên Giáp tiếp tục kiên định cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 6 năm nữa và ngày 30/4/1975, đưa được lá cờ giải phóng dân tộc tới đích cuối cùng.  
Theo đề nghị của đồng chí Lê Duẩn, Bộ Chính trị nhất trí cử đồng chí Lê Duẩn thay mặt toàn Đảng và đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt toàn quân ngày mùng 8/ 5/1975 vào thành phố Sài Gòn để chúc mừng đồng bào và chiến sĩ miền Nam ngay sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng.
Hình ảnh Bí thư  Thứ nhất Lê Duẩn và Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ngày mùng 8/5/1975 từ chuyên cơ bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất trước sự đón tiếp nồng nhiệt của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và các anh Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng là hình ảnh tiêu biểu cho sự lãnh đạo thống nhất của Đảng đối với quân đội và sự trung thành của quân đội đối với Đảng. Hình ảnh đó nói lên vị trí quan trọng bậc nhất của hai anh Lê Duẩn và Võ Nguyên Giáp trong 6  năm cuối cùng của cuộc chống Mỹ cứu nước sau khi Bác Hồ qua đời.
*   *   *   *
Đúng 19 giờ. Trời đổ tối. Nhà cách mạng 88 tuổi Hoàng Tùng ngừng lời.
Dáng gầy yếu nhưng gương mặt vẫn tươi tỉnh, trong gió đông khá lạnh, ông tiễn tôi ra cửa phòng và siết chặt tay tôi ...
Hà Nội, 18 tháng Giêng  2007
                                                                                                   Hoàng Tùng kể
                                                                                                Nhật Hoa 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chào bạn! Nếu bạn quan tâm vấn đề nêu ra, hãy để lại bình luận. Mỗi nhận xét của bạn dù đồng thuận hay không cũng sẽ góp phần cho trang này ngày được hoàn thiện hơn