(St từ http://www.honvietquochoc.com.vn)
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm
chiến thắng mùa Xuân 1975 và thống nhất đất nước, Thiên Lý xin trân
trọng giới thiệu với bạn đọc một tư liệu quý: bức thư của cố Đại
tướng Võ Nguyên Giáp gửi ông Lê Đức Thọ, đề ngày 20-2-1988
Bức thư gồm hơn bốn trang
đánh máy, nội dung trao đổi một số vấn đề liên quan đến việc tổng
kết chiến tranh và biên soạn lịch sử quân sự, (lúc bấy giờ có tổ
chức hội thảo tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước) thư này
cũng được gửi cho ông Viện trưởng Viện lịch sử quân sự, để lưu.
Hy vọng qua bức thư này,
bạn đọc có thể hiểu biết sâu sắc hơn về nhân cách, về trí tuệ
và tầm nhìn chiến lược của cố Đại tướng, đồng thời cũng có thể hiểu
thêm về vài sự kiện lịch sử thú vị khác như Nghị quyết 15 được phôi
thai ra sao, nguồn gốc chiến dịch Quảng Trị mùa Hè 1972 hoặc vấn đề
lựa chọn điểm mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (Buôn Ma
Thuột) đã được đặt ra từ năm nào? Qua mục đầu của bức thư này, ta
cũng có thể biết thái độ của nước bạn (Trung Quốc) về vấn đề Hiệp
định Giơ-ne-vơ (hoàn toàn không phải là “chủ chiến” như Trần Đĩnh nêu
trong Đèn cù).
Tài liệu này nằm trong bộ
sưu tầm các bài nói, bài viết của Đại tướng, do cụ Đại tá, tiến
sĩ sử học Nguyễn Văn Khoan tập hợp, với mục đích là “lưu giữ trong
tủ sách gia đình” để “tự nghiên cứu, học tập” (năm nay cụ Khoan cũng
đã 86 tuổi hạc). Tuy vậy cụ cũng có hảo ý “không dám từ chối bạn
đọc nào muốn tham khảo” và nhờ vậy, tôi may mắn được tặng một bản
coppy. Nhân đây, xin cảm tạ sự ưu ái của cụ
Do cái ipad của tôi không
sạc được điện nên tạm thời chưa cung cấp được ảnh của tài liệu này,
tôi sẽ chụp đưa lên bài viết sau(*).
Dưới đây gõ lại nguyên văn,
kể cả những chỗ gạch dưới, từ bản chụp (coppy) của bản đánh máy.
Tuy nhiên những đoạn tô màu đậm hơn là tôi cố ý nhấn mạnh.
“Ngày 20 tháng 2 năm 1988
Anh Sáu Thọ
Tôi đã xem bài nói của anh về
“Một số vấn đề tổng kết chiến tranh và biên soạn lịch sử quân sự”.
Anh đã nói rõ, đây là quan điểm cá nhân, không thể nói là của Bộ
Chính trị mà cũng chưa phải là được tập thể tổng kết
Cậu Nhân nói anh muốn tôi phát
biểu ý kiến. Từ lâu, tôi đã suy nghĩ nhiều về vấn đề được nêu ra,
nhưng nay muốn phát biểu thì phải bàn bạc và trao đổi thêm với một
số đồng chí lãnh đạo và chỉ huy lúc bấy giờ. Mà hiện nay, thì công
tác trước mắt quá bận, chưa có thì giờ làm được.
Vì vậy, tôi chỉ nêu một số ý
kiến để anh tham khảo
1)- Về vấn đề đánh
giá tình hình và chủ trương của ta sau hội nghị Giơ - ne - vơ
Phải nói rằng tình hình bấy
giờ khá phức tạp, tư tưởng hòa bình chủ nghĩa của bạn cũng khá
mạnh.
Nhưng, Bác luôn nhắc nhở anh
Trường Chinh và các đồng chí trong Bộ Chính trị phải theo dõi âm mưu
thâm độc của kẻ thù, không được chủ quan. Tôi thấy sự sáng suốt của
Bác và Bộ Chính trị biểu hiện rõ nhất là ở chỗ ngay lúc bấy giờ
đã xác định kẻ thù cụ thể trước mắt của toàn dân là đế quốc Mỹ,
phái thực dân Pháp phản hiệp định và bọn Ngô Đình Diệm, đế
quốc Mỹ là kẻ thù đầu sỏ và nguy hại nhất.
Tôi nhớ lại trước khi Hiệp
định Giơ-ne-vơ được ký kết, đã có cuộc hội đàm giữa Bác và đồng
chí Chu Ân Lai ở Liễu Châu. Trong cuộc hội đàm ấy, đồng
chí Chu đã có bài phát biểu rất dài, dùng nhiều lý lẽ để thuyết
phục ta cần dành cho được hòa bình, nói rất nhiều về những điều
kiện thuận lợi đưa đến tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
Sau cuộc hội đàm ấy, trên
đường đi tàu hỏa về nước, Bác và chúng tôi đã trao đổi ý kiến về
cục diện sắp tới. Tôi đã nói với anh Trần Văn Quang: ta có trên 30
vạn quân, còn địch thì có những 45 vạn (anh Quang tính là 47 vạn),
thì làm thế nào có thể tổng tuyển cử, có hòa bình thống nhất đất
nước được. Chúng tôi đã trình bày ý kiến ấy với Bác. Và khi về
nhà, nghe báo cáo lại nội dung cuộc hội đàm thì Bác
và các anh đều cho rằng lời phát biểu và cách phân tách và dự đoán
tình hình của đồng chí Chu là một chiều.
Do vậy, sau khi Hiệp định được
ký kết, ta đã nêu ra nhiệm vụ phải đấu tranh để củng cố hòa bình,
đòi thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, nhưng đề ra 2 khả năng, có khi nói
3 khả năng, nhất là sau khi Mỹ lập ra khối SEATO, công nhiên phá hoại
hiệp định.
Và rất sớm, Bác và Bộ Chính
trị đã nhận định cuộc đấu tranh để thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ là
một cuộc đấu tranh cách mạng, sự nghiệp đấu tranh thống nhất là một
nhiệm vụ cách mạng: đó là sự nghiệp tiếp tục và hoàn thành cách
mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước. Lúc anh Ba ra, anh Ba tỏ ra
rất đồng tình về điểm này và nói rất mừng về vấn đề xác định Mỹ
là kẻ thù chính của cách mạng Việt Nam.
Bây giờ nhớ lại, tôi nghĩ
rằng do có nhất trí ấy, cho nên vào cuối năm 1958, Bộ
Chính trị đã giao cho tôi nhiệm vụ khởi thảo Nghị quyết 15 về cách
mạng miền Nam. Tôi đã làm việc ấy với anh Hoàng Tùng và anh Trần
Quang Huy trong khoảng 2 tuần lễ ở Đồ Sơn. Bản dự thảo đã
được chuyển cho anh Ba xem lại, tôi nhớ về cơ bản không có thay đổi gì
(nhất là về vấn đề bạo lực cách mạng, vấn đề về quan hệ giữa đấu
tranh chính trị với khởi nghĩa và đấu tranh vũ trang trường kỳ) để
trình ra Hội nghị Trung ương.
Trong cuộc thảo luận ở Hội
nghị Trung ương, ý kiến của các anh trong Bộ Chính trị và phần lớn
các đồng chí Trung ương đều nhất trí trên tất cả các vấn đề cơ bản,
và Nghị quyết đã được thông qua với sự nhất trí cao
Anh cũng nhớ rằng chính theo
tinh thần đấu tranh cách mạng phải dùng bạo lực ấy, mà sau khi trao
đổi ý kiến với đồng chi Kayson, Trung ương Đảng ta đã có Nghị quyết
giúp cách mạng Lào chuyển từ đầu tranh chính trị lên kết hợp đấu
tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, về sau từng bước đưa đấu tranh
vũ trang lên vị trí chủ yếu.
2)- Về chiến dịch Trị
Thiên. Vấn đề giải phóng được Huế hay không, không phải là suy
diễn theo cục diện chiến trường lúc bấy giờ: Ta đánh chính diện,
tình hình rất khó khăn, nhất là lúc anh đang ở Paris, mấy lần điện
về: (lúc nào có dịp sẽ nói chuyện thêm).
Vấn đề là phải đặt câu hỏi:
nếu ta cứ giữ vững quyết tâm lúc đầu, lấy Trị Thiên làm hướng chủ
yếu, tấn công vào Quảng Trị kết hợp với đánh vu hồi vào Huế (tập
trung trung đoàn công binh anh hùng mở đường phía Tây Huế) thì có thể
giải phóng được Huế hay không?
Trên thực tế, ta đã thay đổi
quyết tâm đúng đắn ban đầu, đề ra quyết tâm thứ hai lấy Tây Nguyên làm
hướng chủ yếu. Tôi và một số đồng chí cho rằng thay đổi quyết tâm
như vậy là sai. Do đó, đã phân tán chủ lực và phân tán lực lượng
công binh vào hướng Tây Nguyên. Đến khi giải quyết hậu cần không được,
điều động lực lượng cũng khó, thì mới bị động chuyển lại lấy
Quảng Trị làm hướng chủ yếu, lâm vào thế phải đánh chính diện, còn
hướng vu hồi thì không mở ra được vì kế hoạch làm đường ở phía Tây
Huế đã bị bỏ dở, do lực lượng công binh một phần lớn đã điều đi Tây
Nguyên.
3)- Về vấn đề Buôn Ma
Thuột thì trong Quân ủy không hề có cuộc tranh luận nên đánh
Đức Lập hay đánh Buôn Ma Thuột. Kế hoạch đánh Đức Lập đã được đề ra
từ trước, nhằm mở đường cho bộ đội chủ lực ta tiến vào Miền Đông
Nam Bộ khi cần, tránh không phải đi qua lãnh thổ Căm-pu-chia.
Sau khi ta giành thắng lợi ở
Phước Long, nhược điểm của địch bộc lộ rõ, thì toàn thể Quân ủy
đều hạ quyết tâm đánh Buôn Ma Thuột. Hôm anh đến, Quân ủy đang bàn là
bàn về cách đánh như thế nào để đảm bảo thắng lợi, đề ra hai phương
án: trường hợp địch còn sơ hở chưa tăng cường và trường hợp địch đã
tăng cường, cả hai phương án đều nhằm mục đích tiêu diệt địch và
giải phóng Ban Mê Thuột. Tôi cũng đã đề cập đến khả năng địch rút
khỏi Tây Nguyên nếu ta giành được thắng lợi lớn
Anh Dũng, anh Thái, anh Thảo
đều nhất trí với kết luận của tôi.
Nhớ lại, sau khi Hiệp định
Paris được ký kết, Nghị quyết 21 của Trung ương nói đến thời cơ lịch
sử giải phóng miến Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân
trong cả nước. Tôi đã đề ra với các đồng chí lãnh đạo khu V, khả
năng giải phóng Tây Nguyên trước. Tôi cũng đã làm việc với anh Hoàng
Minh Thảo về vấn đề này, xác định Buôn Ma Thuột là điểm yếu nhất,
lại là địa bàn cơ động nhất ở Tây Nguyên (anh Thảo hiểu Tây Nguyên nên
phân tách đúng và sắc) và từ lúc ấy đã có chỉ thị cho anh Thảo
chuẩn bị chiến trường. Học viện quân sự cũng bắt đầu nghiên cứu
phương án tác chiến
4)- Một số điểm khác về trận
Tổng tấn công mùa Xuân 1975 nếu đưa ra bàn thì cũng còn có ý kiến.
Lúc này, nên cố gắng ghi lại sự kiện lịch sử cho chính xác. Nếu
muốn bàn thì nên có đủ các đồng chí lãnh đạo và chỉ huy chủ chốt
lúc bấy giờ. Rất tiếc là anh Thái và anh Tấn không còn. Nhiều anh
khác hiện cũng rất bận. Hay là ai có ý kiến như thế nào thì cứ
viết ra cũng được, nói rõ là ý kiến của cá nhân mình
Thân
Văn”
(*) Bổ sung ảnh, ngày 18/3.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chào bạn! Nếu bạn quan tâm vấn đề nêu ra, hãy để lại bình luận. Mỗi nhận xét của bạn dù đồng thuận hay không cũng sẽ góp phần cho trang này ngày được hoàn thiện hơn