Thứ Tư, 18 tháng 7, 2018

CUỐN SÁCH GẠC MA - VÒNG TRÒN BẤT TỬ NÊN BỊ KHAI TỬ

XIN ĐỪNG XÉT LẠI LỊCH SỬ, BẺ CONG NÒNG SÚNG CỦA ANH HÙNG LIỆT SĨ!

Bài viết của bác Dương Khánh Chi - CCB Trường Sa 1988 cho chúng ta thông tỏ hơn về âm mưu đằng sau cuốn sách GẠC MA - VÒNG TRÒN BẤT TỬ
--------------------
Những ngày gần đây, trên Facebook, có nhiều cuộc bút chiến về một số sai phạm nghiêm trọng trong cuốn sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”. Trong số đó, sai phạm lớn nhất, khi cuốn sách nói đến lệnh cấm của một vị cán bộ cao cấp trong Quân đội: “KHÔNG ĐƯỢC NỔ SÚNG!” dẫn tới sự phẫn nộ của các Cựu chiến binh Hải quân nhân dân Việt Nam và những người từng tham gia CQ88 bảo vệ chủ quyền Tổ quốc tại quần đảo Trường Sa ngày 14/3/1988. 

Thực ra, tin đồn thất thiệt này đã từng xuất hiện trên FB, và đã có nhiều phản bác, chính tôi - một cựu chiến binh Hải quân - người đã từng tham gia CQ88 cũng đã có ý kiến; song khi làm sách, vẫn cho in, khiến cho nhiều người lầm tưởng, nghi ngờ, thậm chí lên án Quân đội – lực lượng “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”. 

Từng tham gia CQ88 bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa trong những ngày tháng gian khổ, nguy hiểm nhất; tôi xin nói kỹ hơn về vấn đề này; để bạn đọc trên FB và mọi người hiểu rõ thực hư tránh tình trạng “BẮN VÀO QUÁ KHỨ”!
Nửa cuối năm 1987, trước tình hình quân giặc phương Bắc đang có ý định chiếm các đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa; trung tuần tháng 7/1987 Đại tướng Lê Đức Anh – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã vào kiểm tra, làm việc với Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Chỉ huy vùng 4. Tôi là người được giao nhiệm vụ bảo vệ khu nhà ở của Đại tướng và Phó đô đốc Giáp Văn Cương, Chuẩn đô đốc Đoàn Bá Khánh. Ngay sau khi Đại tướng kết thúc chuyến công tác, Bộ Tư lệnh Hải quân, Vùng 4 đã triển khai kế hoạch đặt cột mốc chủ quyền trên các đảo chìm và lệnh cho Lữ đoàn 146 thực hiện. 

Những tháng cuối năm 1987, cả Bộ Chỉ huy vùng 4 đều bận rộn. Tư lệnh Hải quân – Phó đô đốc Giáp Văn Cương hầu như ở lại Vùng 4 để chỉ đạo công việc. Tôi còn nhớ, Tư lệnh Giáp Văn Cương mặc dù đã gần 70 tuổi; nhưng vẫn nhanh nhẹn, minh triết. Có lần, ông đi cùng với Chuẩn đô đốc Đoàn Bá Khánh, cả hai vị tướng cùng xuất phát, nhưng ông vượt lên trước khá xa; bọn tôi còn chỉ cho nhau và cười vì cái bụng lặc lè của tướng Khánh… Đặc biệt, Tư lệnh Quân chủng còn lệnh cho các tàu chiến luôn sẵn sàng trực chiến ở Trường Sa. Đầu năm 1988, Đại tá Phan Công Phán, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 – Lữ đoàn trực tiếp có nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa phải trực chiến trên tàu HQ09. Tời điểm đó, biển động dữ dội, sóng to, đánh đứt cả neo tàu; buộc tàu phải chạy về quân cảng Ba Son để sửa chữa. Được tin, Phó đô đốc Giáp Văn Cương đã điện thoại trực tiếp trên sóng FM mà tôi nghe được: “Anh phải lập tức ra Trường Sa bằng bất cứ giá nào! Nếu không, tôi thay người khác!”. (khi đó, trung đội cảnh vệ của chúng tôi nằm ngay sau Bộ Chỉ huy vùng 4). 

Lữ đoàn liên tục điều quân, đổi quân ra bảo vệ Trường Sa theo lệnh của Phó Đô đốc Giáp Văn Cương; nhưng rồi quân không đủ, đến ngày 20 tháng Chạp năm 1987 (tức là ngày 7/2/1988) Tư lệnh Giáp văn Cương ra lệnh điều gần ½ số quân trong trung đội cảnh vệ vùng của chúng tôi tăng cường cho đoàn 146. Tham mưu trưởng Đỗ Xuân Công (sau này là Tư lệnh Hải quân) phải vò đầu bứt tai: Trung đội cảnh vệ thiếu người, không hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vùng được. Nhưng, Tư lệnh vẫn kiên quyết yêu cầu phải thực hiện… Thế là chiều hôm ấy, 11 anh em chúng tôi xuống nhận lệnh đi Trường Sa… 26 tháng Chạp, toàn bộ khung đảo Đá Lớn của chúng tôi lên tàu HQ505 của Thiếu tá Vũ Huy Lễ vượt sóng ra khơi… 
Sau khi đoàn chúng tôi tiến ra Trường Sa; các khung đảo khác cũng được thành lập, để tiếp tục cắm mốc chủ quyền trên các đảo chìm. Dù là đảo chìm dưới mặt nước biển 1 - 2m thậm chí đến hơn 10m như Đá Tốc Tan cũng phải đặt mốc chủ quyền! Lúc đó, ta không thể dựng nhà cao chân ở Tốc Tan, đành kéo pông-tông ra neo trên đảo. Cán bộ, chiến sĩ sống ngay trên chiếc pông-tông lúc nào cũng dập dềnh sóng vỗ như thế! Kể ra những chuyện này, tôi muốn nói đến quyết tâm giữ chủ quyền của Quân chủng Hải quân, của vùng 4 và Lữ đoàn 146 nói riêng và của Bộ Quốc phòng nói chung!

Có người đặt vấn đề: Tại sao khi giặc thảm sát các chiến sĩ khung đảo Gạc Ma và các chiến sĩ công binh thuộc E83 mà chúng ta không bắn trả? Ở đây có những lý do rất đặc biệt: 

Thứ nhất, 3 tàu đến cụm Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao đều là những tàu chở quân, chở hàng ra tiếp tế. HQ505 là tàu loại LST – tàu đổ bộ loại lớn của Hải quân Mỹ - chiến lợi phẩm của ta sau chiến thắng 30/4/1975. Tàu HQ 604, HQ 605 là những tàu chở hàng thuộc đoàn tàu không số - những tàu này do Trung quốc sản xuất; chính vì vậy, các tàu này (HQ604, HQ605) không được trang bị vũ khí. 

Thứ 2: Khi tàu ra khơi, để đảm bảo vũ khí không bị nước biển làm rỉ sét (nhất là thời điểm này đang là mùa biển động) thì tất cả các loại súng ống trang bị cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo chìm đều được bảo quản bằng cách trét thật nhiều mỡ bò và cho vào các thùng đựng súng để trong kho hàng của tàu. Đến khi quân giặc gây hấn, không thể lấy súng ra bắn được! Chỉ có tàu HQ604, có một số khẩu súng AK, RPK; Đại úy Vũ Phi Trừ ra lệnh bắn trả nhưng tàu giặc neo cách tàu ta gần 1 hải lý, đạn không thể tới tàu giặc! Tàu HQ604 trúng pháo của giặc từ từ chìm xuống… một số anh em cán bộ, chiến sĩ nhảy ra khỏi tàu bơi vào bờ đảo. Quân giặc ở trên xuồng máy dùng câu liêm, móc xích kéo 9 anh em chiến sĩ về tàu của chúng. 

Lý do thứ 3: Anh em cán bộ, chiến sĩ thuộc khung đảo Gạc Ma và anh em cán bộ, chiến sĩ công binh rời tàu HQ604 trên những chiếc xuồng nhôm, chèo vào đảo; trong hoàn cảnh ấy làm gì có súng mà bắn trả quân giặc, lấy đâu ra cái lệnh: KHÔNG ĐƯỢC NỔ SÚNG? Và, đặc biệt; thời ấy, liên lạc của ta hoàn toàn bằng loại thông tin gõ ma – níp; nếu có lệnh ban hành thì mất cả nửa ngày mới tới (từ việc dịch điện do cơ yếu phụ trách, đến chiến sĩ thông tin phát đi, nhận điện rồi dịch lại)… Trong khi, chiến sự chỉ xảy ra trong thời gian từ lúc hơn 6h sáng 14/3 đến khoảng 10h cùng ngày! 

Là một trong những người tham gia CQ88, trong những ngày tháng gian khổ, ác liệt nhất của Hải quân nhân dân Việt Nam; tôi – mặc dù chưa được đọc cuốn sách: “Gạc Ma – vòng tròn bất tử” – nhưng thông tin về lệnh: “KHÔNG ĐƯỢC NỔ SÚNG” là hoàn toàn bịa đặt, bôi nhọ hình ảnh Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hải quân; Quân đội; và đặc biệt là bôi nhọ những người đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma 14/3/1988. Họ hy sinh vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, khi họ không có vũ khí trên tay; chứ họ không phải nghe lệnh nào đó một cách mù quáng: “KHÔNG ĐƯỢC NỔ SÚNG!” để không tự bảo vệ bản thân mình! Ai đó đã bịa đặt, nhằm hạ bệ, bôi nhọ vị lãnh đạo cao cấp của Quân đội – dù với mục đích gì – thì đó cũng là hành động: bắn vào quá khứ bằng súng lục! Và xin thưa, như vậy – tương lai không chỉ bắn họ bằng đại bác - như lời dẫn của nhà văn Nga Raxun Gamzatop, mà có thể bằng tên lửa, hoặc những vũ khí tối tân hơn!

Viết bài này, tôi cũng mong rằng anh Lê Mã Lương hãy nhìn cho đúng đắn thực tế Hải quân nhân dân Việt Nam chúng ta thời điểm ấy - cái thời mà tàu của chúng ta cũ kỹ, ít ỏi (ngay như Lữ đoàn 171 – Lữ đoàn tàu chiến của ta lúc đó chỉ có HQ 11, 13, 15, 17 là còn được coi là mới thì việc tác chiến trên biển là vấn đề khó khăn, khi chúng ta phải đối mặt với quân giặc người đông, thế mạnh, vũ khí, trang bị tốt hơn nhiều! Rất mong anh cùng anh Hoàng Kiền, hãy nói chuyện với nhau bằng tình cảm của những người đồng đội, những người đã từng “vào sinh ra tử”… Và, anh hãy nhớ rằng: Bộ đội Cụ Hồ chúng ta chưa bao giờ khuất phục trước kẻ thù, luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng! Hơn nữa, Quân chủng Hải quân của chúng tôi, dù quán triệt phương châm 4K: KIÊN QUYẾT, KIÊN TRÌ, KHÔNG KHIÊU KHÍCH, KHÔNG MẮC MƯU KHIÊU KHÍCH CỦA KẺ THÙ; nhưng cũng sẵn sàng giáng cho chúng những đòn sấm sét, nếu như chúng tiếp tục xâm lược biển đảo của Tổ quốc Việt Nam! 
3h sáng 18/7/2018.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chào bạn! Nếu bạn quan tâm vấn đề nêu ra, hãy để lại bình luận. Mỗi nhận xét của bạn dù đồng thuận hay không cũng sẽ góp phần cho trang này ngày được hoàn thiện hơn