Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017

ĐỪNG VỰC DẬY BÓNG MA TỘI ÁC

ĐÒI BỎ CHỮ NGUỴ VỚI KIỂU NGUỴ BIỆN PHẢN KHOA HỌC
- CHỈ CÓ THỂ LÀ NGUỴ SỬ
Lê Minh
Dư luận xã hội bức xúc. Nhiều thế hệ bức xúc. Thế hệ trẻ hoài nghi và bất an. Đó là trạng thái lột tả chính xác vấn đề nổi nhất trong đời sống chính trị, xã hội hiện nay: Bộ sử Việt Nam 15 tập của ông Trần Đức Cường làm chủ biên đã bỏ cách gọi nguỵ quân, nguỵ quyền mà lịch sử từ trước tới nay vẫn gọi là nguỵ quân, nguỵ quyền.
Trong khi dư luận bức xúc, một số cơ quan truyền thông trong và ngoài nước đặt câu hỏi tại sao lại phải bỏ hay có nên bỏ chữ nguỵ trong cụm từ nguỵ quân, nguỵ quyền. Một số “người lớn” lớn tiếng cho rằng: Lịch sử phải được xem xét khách quan, hơn nữa sửa đổi như vậy là phù hợp với xu thế của thế giới, xu thế hội nhập của thời đại, là thực hiện chủ trương hoà hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước ta, cách gọi nguỵ quân, nguỵ quyền nghe nó miệt thị quá!
Thế hệ trẻ chúng tôi không đồng tình, không chấp nhận cái lí lẽ đó.
Chúng tôi xin hỏi: Thế hệ chúng tôi và con cháu chúng tôi giở lại sách lịch sử Việt Nam tìm hiểu về giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp: Ồ thì ra trong sử còn đầy chữ “thực dân”!.  Ôi chữ “thực dân” nghe nó hơi miệt thị, nhất là trong quan hệ đối ngoại với Pháp hiện nay, có nên chăng phải đổi lại lịch sử, trong sách sử không nên gọi là thực dân Pháp mà gọi là gì…? Anh bạn Pháp à?
Lại xin hỏi: Thế hệ chúng tôi và con cháu chúng tôi giở lại sách lịch sử Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Trong sử sách có bao nhiêu từ gọi là “đế quốc” Mỹ? Có phải chăng chữ “đế quốc” hơi khó nghe trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ? Nên cần phải đổi lại? Từ nay trở đi trong sử ta phải viết là: Từ năm 1954 - 1975, “anh bạn” Mỹ xâm lược nước ta, dựng lên chế độ “anh em” VNCH, gây ra bao đau thương, mất mát cho dân tộc Việt Nam! Hàng triệu người đã ngã xuống dưới bom đạn của “bạn” Mỹ?! Hàng nghìn người dân vô tội đã phải đầu lìa khỏi cổ dưới máy chém của chính quyền “anh em” VNCH? Máu của hàng triệu chiến sĩ, đồng bào đã thấm đỏ dưới từng tấc đất của Tổ quốc là vì “anh bạn” Mỹ và “người anh em” VNCH lỡ tay?!

Lại xin hỏi: Để phù hợp với xu thế hội nhập nên chăng trong cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979, lịch sử nước ta nên viết là “cuộc chiến xung đột biên chống phản kích tự vệ của Trung Quốc” thay cho tên gọi “Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống quân xâm lược Trung Quốc”? Và, Trung Quốc không phải là nước đi “xâm lược”?
Lại xin được hỏi: Thế hệ hôm nay của rất nhiều nước đọc lại lịch sử của nước họ hay lịch sử của nhân loại về giai đoạn chiến tranh thế giới thứ II, thấy nhiều chữ phát xít Đức, phát xít Nhật, phát xít Ý…, có nên chăng vì xu thế thời đại và hội nhập quốc tế nên bỏ đi chữ “phát xít” (dù định nghĩa theo nghĩa gì cũng là xấu, không tốt đẹp), nên chỉ gọi là Quân đội Đức, Quân đội Nhật hay Quân đội Ý trong Thế chiến thứ II đã gây ra đau thương, mất mát, hy sinh cho nhân loại, hàng triệu triệu chiến sỹ và người dân của Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam…. Họ đã chết dưới sự tàn bạo của “đạo quân không phải là phát xít”… Ôi! sao khó gọi tên thế nhỉ?
Lại xin được hỏi: Sau này tàn dư của quân IS, hay al-Qaeda đề nghị các nước trên thế giới không được gọi nhà nước hồi giáo IS và tổ chức al-Qaeda trước đây là “tổ chức khủng bố IS”, “tổ chức khủng bố al-Qaeda”. Và lịch sử thế giới phải xoá chữ “khủng bố” và gọi chúng là gì đây?
Lại xin được hỏi: Khoa học lịch sử có quan trọng với cái gọi là “bối cảnh lịch sử”? Và khi lịch sử ghi lại sự kiện xảy ra trong quá khứ có phải ghi chép khách quan về bối cảnh của sự kiện? Lịch sử hiện đại (hôm nay hay 1.000 năm sau) cũng phải tôn trọng bối cảnh của sự kiện đã xảy ra trong quá khứ tương ứng. Theo logic đó, chữ “nguỵ quân”, “nguỵ quyền” xuất hiện cũng từ bối cảnh lịch sử giai đoạn đất nước chúng ta bị thực dân, đế quốc xâm lược, chế độ VNCH được chính kẻ đi xâm lược dựng lên, một chính quyền, một quân đội là tay sai của thực dân đế quốc, hành động ngược lại với ý chí, nguyện vọng của nhân dân, giết hại nhân dân mình, vậy được gọi là nguỵ quân, nguỵ quyền từ chính trong bối cảnh lúc bấy giờ đến hôm nay có gì sai, có gì là không ổn? Vậy cớ chi phải chỉnh lý lịch sử về giai đoạn ấy?
Xin đừng vực vậy bóng ma tội ác
Xu thế của thế giới hiện nay có tác động gì đến cái tên gọi hay cái chữ “nguỵ” ấy? VNCH và tàn dư của nó ở hải ngoại hiện nay đâu phải là một quốc gia đâu mà phải suy nghĩ cho nhiều? Họ là kiều bào Việt Nam ở hải ngoại nhưng là công dân nước khác chứ họ không đại diện cho bất cứ thể chế chính trị hay quốc gia nào cả. Và xin đề nghị trả lời câu hỏi: 100 năm sau, khi trên trái đất không còn ai là nhân vật của nguỵ quân, nguỵ quyền bước ra từ cuộc chiến, tức là không còn ai là “chính danh nguỵ” nữa (vì đã trở về với thiên cổ rồi), tức là không còn ai chính danh nguỵ đi đòi hỏi phải bỏ chữ nguỵ nữa, mà chỉ còn lại con cháu mấy đời về sau của họ. Khi đó con cháu họ lại đòi sửa tiếp lịch sử Việt Nam, không được gọi cha ông họ là kẻ làm tay sai, là kẻ bán nước, thế là ta phải “Lật sử” một lần nữa và “Lật sửa” như thế nào đây? Ôi đau đầu quá!
Lịch sử Việt Nam phải thay đổi để phù hợp với xu thế thời đại và quá trình hội nhập ư? Lối tư duy này không hợp lý. Chỉ có một quốc gia và con người trong quốc gia đó là chủ thể vận động trong xu thế thời đại, hội nhập vào đời sống quốc tế. Còn lịch sử của một đất nước (của một quốc gia) trong dòng chảy của lịch sử thế giới thì vẫn là lịch sử khách quan, không hơn không kém. Lịch sử Việt Nam cũng vậy, không thể tự thay đổi và càng không được thay đổi. Không thể vì hội nhập trong thế giới hiện đại mà phải đốt cháy lịch sử của Việt Nam cách nay cả mấy chục năm. Bộ sử của Ông Trần Đức Cường và đồng nghiệp của ông được cho là tái bản, nên có vị nói: “Có gì đâu mà phải ồn ào”? Ừ nhỉ, sẽ không ai ồn ào nếu bộ sự tái bản chỉ thực hiện đúng chức năng tái bản, không lật sử, dù chỉ là một một sự kiện. Còn muốn viết sử mới cho giai đoạn hiện nay trở đi và muốn gọi cái gì để hợp lẽ hội nhập thì mời các cụ cứ viết.
Đạo lý của dân tộc Việt Nam là phải trọng quá khứ, quý hiện tại, hướng tới tương lai. Bất kể ai, dù là quan, là lính thời nguỵ quân, nguỵ quyền hay ai đó là con cháu của họ muốn trở về nước thì cứ về, không cấm, đất nước không từ chối họ mà mở rộng vòng tay chào đón họ, nhân dân ta không kỳ thị họ, chúng tôi cũng không gọi họ là nguỵ, là quân phản nước, quân tay sai, vì đó là lòng khoan dung của dân tộc và ý chí muốn gác lại quá khứ đau thương để cùng nhau kiến tạo tương lai tốt đẹp. Nhưng ít nhất, với họ phải chấp nhận giai đoạn lịch sử trước kia là họ hoặc cha, ông của họ là một phần của chế độ VNCH, quân đội VNCH - àm tay sai của ngoại bang, hành động bất nghĩa, bất nhân, bán nước, hại dân và được sử sách gọi là nguỵ, không có gì phải chối bỏ. Còn bây giờ (hiện tại), họ khẳng định mình (bằng việc làm chân chính) với tâm thế mới trong bối cảnh mới chứ không phải là “nguỵ” trong quá khứ. Đồng ý. Chúng tôi hiểu điều đó và công nhận điều đó.
Đã sai thì phải nhận sai. Nhưng hậu bối của ông không chịu, họ muốn vực dậy bóng ma tội ác.
Với mỗi cá nhân là như vậy, thì cũng có nghĩa: với cái danh nguỵ quân, nguỵ quyền vẫn là nguỵ quân, nguỵ quyền trong lịch sử đã ghi chép từ thực tiễn. Sử sách của chúng ta gọi nguỵ quân, nguỵ quyền ở đây là gọi về VNCH tồn tại từ 1975 trở về trước. Còn hiện nay và sau này, trên thế giới không hề tồn tại nguỵ quyền VNCH và nguỵ quân VNCH. Một lần nữa khẳng định: hiện nay nó không còn tồn tại. Và hiển nhiên, hiện nay không có cái gọi là chính quyền hay quân đội VNCH là chủ thể đối ngoại với đất nước chúng ta, mà chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam, Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam tồn tại và trở thành chủ thể đối ngoại với các nước khác trên thế giới.
Xin hãy luôn nhớ đến các anh, tôn trọng lịch sử là ghi công các anh đã nằm xuống cho dân tộc được sống
Vì vậy không thể lấy lý do hôi nhập, xu thế của thế giới, vì mong muốn hoà hợp dân tộc để nguỵ biện cho việc cần bỏ chữ nguỵ khi nói đến nguỵ quân, nguỵ quyền Sài Gòn. Càng không cần và không thể sửa đổi lịch sử Việt Nam. Bởi, nếu hôm nay trong sử sách (được biên lại) không gọi nguỵ quân, nguỵ quyền thì 50 năm sau có một bộ sử mới cũng sẽ không gọi VNCH và quân đội VNCH là tay sai bán nước, hại dân và 50 sau đó nữa sẽ gọi những hành động của VNCH và quân đội của VNCH là chính nghĩa?. Từ đó cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ sẽ là gì? Và nguy hiểm nhất là khi bỏ cách gọi nguỵ quân, nguỵ quyền (để hợp với xu thế thế giới và thực hiện hoà hợp dân tộc) thì vô tình (hoặc cố ý) khẳng định VHCH và quân đội VNCH đang tồn tại (trong hiện tại). Mà nó đang tồn tại thì nó muốn làm gì tiếp theo? Ôi không thể hình dung được cảnh tượng tiếp theo, vì bóng ma tội ác đã trở lại.

Cũng vì vậy, “bộ sử mới” do ông Trần Đức Cường và đồng nghiệp của ông biên soạn không chỉ là phải thu hồi, mà phải huỷ đi mới đúng. Không được để nó tồn tại mà sau này trở thành cái cớ, cái nguồn viện dẫn của những kẻ cực đoan muốn vực dậy bóng ma tội ác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chào bạn! Nếu bạn quan tâm vấn đề nêu ra, hãy để lại bình luận. Mỗi nhận xét của bạn dù đồng thuận hay không cũng sẽ góp phần cho trang này ngày được hoàn thiện hơn